“Tương lai Việt Nam muốn phát triển phải dành nguồn lực cho Hà Nội, TP, Hồ Chí Minh”, ông Huỳnh Thế Du nói. Bởi ông nhận định cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia là cạnh tranh của những đô thị. Những đô thị lớn này, chính là nơi tập trung, thu hút được những người giỏi, giàu về làm việc.
“Những người Việt đi học ở nước ngoài thường đứng trước câu hỏi đi hay ở. Xu hướng bây giờ là ở nhiều hơn vì họ không biết về thì về đâu. Nếu chúng ta không thể phát triển những trung tâm thành phố tốt, thì không thể thu hút nhân tài”, ông Du cho biết.
Ở Việt Nam, nếu để nói đến nơi có tiềm năng phát triển thành trung tâm thu hút những người như thế thì mới chỉ có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dù vậy, những nơi này chưa được đầu tư đúng mức, thay vào đó là thực tế bị cào bằng.
“Nếu cơ chế như bây giờ, tương lai chúng ta rất khó phát triển”, ông Du nói. Nêu ví dụ cụ thể vị chuyên gia đến từ ĐH Fulbright cho biết khu vực Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) 20 năm qua gặp trục trặc về thể chế khiến cho dù có tiền và là khu vực đất vàng cũng không phát triển được.
Trong khi đó, Phố Đông ở Thượng Hải có nhiều nét tương tự, trong cùng thời gian đấy đã phát triển thành một nền kinh tế có thu ngân sách tương đương Singapore. Hay nếu không nhìn xa, Đà Nẵng cũng chỉ trong một thời gian ngắn đã chỉnh trang đô thị gấp 10 lần Thủ Thiêm.
“Ngân sách của quốc gia phải dành đủ nguồn lực cho nơi này, nếu không con em của chúng ta sẽ không chọn chính mảnh đất họ sinh ra để sinh sống, tương lai của Việt Nam sẽ rất u ám”, ông Huỳnh Thế Du cho biết.
Đầu tư Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cũng không bằng đầu tư cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh
“Không tập trung vào ba đặc khu mà đầu tư cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì khả năng thành công, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam sẽ tốt hơn?”
“Chắc chắn”, vị chuyên gia đến từ ĐH. Fulbright trả lời.
Theo ông, các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có thể thành công ở một số mặt, nhưng khó có thể tạo được thành cú huých cho Việt Nam phát triển vượt bậc như nhiều kỳ vọng trước đó.
Đặc biệt, với Bắc Vân Phong, ông Du nhận xét “chưa thấy tiềm năng ở đâu cả”. Bởi nó hội được các yếu tố: doanh nghiệp, người giỏi, người giàu. Trong khi đó, hai đầu tàu của cả nước có thể hội tụ được những yếu tố này.
Bởi vậy, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng nếu nguồn lực đã có hạn, thay vì đầu tư vào những thứ mà chưa biết tương lai nó như thế nào thì có thể tập trung vào những thứ tiềm năng sẵn có, để phát triển.
Đặc khu tại Việt Nam, nếu muốn thực hiện, theo ông, phải như khu phố Đông của Thượng Hải, tức là gắn với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để bung lên. Cụ thể, Việt Nam có thể bắt đầu với Thủ Thiêm.
Mặt khác, ông Huỳnh Thế Du cũng cho rằng nên bỏ bớt những khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất không hiệu quả. Bởi nếu cứ dàn trải đầu tư ngân sách như hiện nay, Việt Nam sẽ không có hình thù gì ngoài dạng “trái mít”.