Trung ương cắt 10.000 tỉ đồng cho các dự án chống ngập TP HCM

Với gần 94% số phiếu tán thành, chiều 24-11, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Như vậy, TP HCM sẽ được trao cho nhiều cơ chế thông thoáng hơn để tạo động lực phát triển.

Cụ thể, theo Nghị quyết, HĐND TP được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Ngoài ra, Nghị quyết cho phép HĐND TP đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

Đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP HCM mênh mông nước sau cơn mưa chiều 23-5 - Ảnh: Hoàng Triều

Đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP HCM mênh mông nước sau cơn mưa chiều 23-5 – Ảnh: Hoàng Triều

Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu này so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỉ lệ % đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP. Lưu ý, việc thí điểm thực hiện chính sách thu trên địa bàn TP phải bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của TP; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ…

Đặc biệt, TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Ngân sách TP cũng được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP để đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.

Đáng lưu ý, ngân sách TP được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu. Nghị quyết nêu rõ: TP sử dụng nguồn thu này và ngân sách TP để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của TP. Ngân sách trung ương không bổ sung cho TP 10.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết theo báo cáo của Chính phủ, khi quyết định về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã cân đối vào nguồn thu của ngân sách trung ương khoảng 20.000 tỉ đồng từ nguồn thu từ cổ phần hóa của TP. Trên cơ sở đó, QH đã quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự kiến phân bổ cho TP 18.800 tỉ đồng để thực hiện các dự án. “Nếu để lại toàn bộ nguồn thu này cho TP thì ngân sách trung ương sẽ hụt thu tương ứng khoảng 20.000 tỉ đồng, trường hợp cổ phần hóa diễn ra thuận lợi thì số tiền thu để lại cho TP cao hơn 20.000 tỉ đồng” – ông Hải cho hay.

Để chia sẻ khó khăn của ngân sách TP và bảo đảm nguồn lực của ngân sách trung ương, Ủy ban Thường vụ QH xin QH cho phép tiếp tục phân bổ 8.800 tỉ đồng cho các dự án bệnh viện đã được Chính phủ giao kế hoạch cho TP, không giao 10.000 tỉ đồng đối với dự án chống ngập đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được Chính phủ giao kế hoạch. TP HCM sẽ có trách nhiệm cân đối từ nguồn thu cổ phần hóa được dự kiến để đầu tư cho các dự án chống ngập.

Ngoài ra, theo Nghị quyết, TP được trao quyền thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Cơ chế cũng cho phép HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do TP quản lý theo hiệu quả công việc, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND TP quy định. Việc này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

QH chốt đền bù sân bay Long Thành 23.000 tỉ đồng

Với trên 91,45% ĐB tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, QH đồng ý triển khai dự án trên diện tích gần 5.400 ha, trong đó diện tích đất của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha, 282 ha cho khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn; 20 ha đất cho khu nghĩa trang.

Tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỉ đồng, đã bao gồm chi phí dự phòng phát sinh do trượt giá và biến động về số liệu đất đai.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Sà lan lật, đè chìm tàu ở dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Bài viết mới