HSBC vừa xuất bản báo cáo “ASEAN Perspectives – Triển vọng 2023” nhằm đánh giá những cơ hội mà các thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có thể đạt được trong năm mới 2023, sau khi Trung Quốc, một đối tác kinh tế quan trọng của khu vực, tái mở cửa.
Ảnh minh hoạ.
Cú hích đầu tiên từ Trung Quốc: Ngành du lịch
Chủ Nhật, ngày 8/1 đánh dấu sự mở cửa trở lại được mong đợi từ lâu của Trung Quốc. Theo HSBC, việc Trung Quốc mở cửa trở lại tác động trực tiếp nhất là đối với ngành du lịch có quy mô không hề nhỏ của ASEAN.
Sau hai năm khó khăn, ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể để thu hút khách du lịch trở lại, với các hạn chế biên giới và yêu cầu kiểm dịch cuối cùng được dỡ bỏ vào tháng 3-4/2022. Lượng khách du lịch năm 2022 đã tăng trở lại đạt 25-30% mức của năm 2019, một bước nhảy vọt từ mức chỉ 1% vào năm 2021. Thái Lan đã giành lại ngôi vương, trở thành điểm đến phổ biến nhất trong khu vực, thu hút khoảng 11 triệu lượt khách.
Đi sâu vào chi tiết, chỉ riêng du khách Trung Quốc đại lục đã chiếm một tỷ trọng lớn trong hoạt động du lịch ở hầu hết các nước ASEAN, đặc biệt là ở Thái Lan và Việt Nam, với mức 30% của tổng lượng khách du lịch tới mỗi quốc gia trong thời kỳ bình thường.
Do đó, HSBC cho rằng, sự thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành du lịch của ASEAN chính là từ Trung Quốc đại lục, mặc dù mức độ mỗi nước một khác.
Nguồn khách du lịch của ASEAN, theo quốc gia (Từ đầu năm 2022 đến nay)
Nguồn khách du lịch của ASEAN, theo quốc gia (2019)
Du khách Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi ngắn ngày ở Thái Lan (2019)
Tầm quan trọng của doanh thu du lịch trong ASEAN (2019)
Ngay sau khi Trung Quốc công bố, lượng đặt vé đi Thái Lan đã tăng 400% trên Trip.com, đưa Thái Lan trở thành một trong năm điểm đến phổ biến nhất của du khách Trung Quốc. Chúng tôi ước tính nếu khách du lịch Trung Quốc trở lại mức trước đại dịch và chi hết tiền cho hàng hóa sản xuất trong nước, thì Thái Lan có thể đóng góp tối đa 1,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy sự hồi sinh du lịch của Việt Nam một cách ấn tượng vì tương tự như Thái Lan, khách du lịch Trung Quốc từng chiếm khoảng 30%, theo HSBC.
HSBC cho rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan, nhưng không thể xem nhẹ tầm quan trọng của ngành này đối với thị trường việc làm. Tại Việt Nam, khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú.
Tỷ lệ việc làm liên quan đến du lịch nói chung trong tổng số việc làm (2019)
Thị trường việc làm phi chính thức của Việt Nam tập trung trong các ngành liên quan đến du lịch
Cú hích thứ hai từ Trung Quốc: Thương mại
HSBC cho rằng một yếu tố khác không thể không nhắc đến là quan hệ hợp tác thương mại ASEAN-Trung Quốc.
Kể từ năm 2020, ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, vì vậy xuất khẩu cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc. Nhưng mức độ mỗi nơi một khác. Indonesia và Malaysia nhiều khả năng sẽ tiếp tục có kết quả vượt trội trong xuất khẩu do giá hàng hóa vẫn ở mức cao.
Trung Quốc đại lục trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN
Trong khi đó, xuất khẩu nông sản từ Thái Lan, Philippines và Việt Nam có thể sẽ được hỗ trợ đáng kể từ nhu cầu đang bùng nổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù có một số khả năng phục hồi, ASEAN rất dễ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ công nghiệp của Trung Quốc, do đó dễ bị tác động bởi khó khăn về thương mại toàn cầu.
Cú hích thứ ba của Trung Quốc: FDI
Bất chấp những khó khăn về thương mại trước mắt, HSBC cho rằng, những tín hiệu phục hồi trong triển vọng thương mại lại đến từ FDI, một lĩnh vực đã chứng kiến dấu ấn ngày càng rõ nét của Trung Quốc ở ASEAN.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ của ASEAN, từ chuỗi cung ứng xe điện ở Indonesia và Thái Lan, đến hàng điện tử tiêu dùng ở Việt Nam, cũng như ngành hàng dược phẩm đầy triển vọng của Singapore.
Các ví dụ điển hình bao gồm kế hoạch của Apple chuyển chuỗi cung ứng MacBook sang Việt Nam và kế hoạch của BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, xây dựng một trung tâm sản xuất ở Thái Lan, trung tâm sản xuất đầu tiên của họ ở ASEAN.
Singapore, Việt Nam và Malaysia nhận được nhiều vốn FDI nhất tính theo % GDP
Bảng 2. Các dự án FDI gần đây nhất của Trung Quốc tại ASEAN