Lĩnh vực bất động sản khách sạn, công nghiệp và văn phòng tại khu vực này được dự kiến sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ nhờ lưu lượng người, hàng hóa và hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc.
Quyết định đảo ngược các chính sách zero-Covid của Trung Quốc sau gần 3 năm đóng cửa đã diễn ra vào thời điểm không thể tốt hơn cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đang quay cuồng sau chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC), vẫn còn quá lớn và việc quốc gia này mở lại biên giới sẽ mang đến những tác động cấp số nhân cho khu vực.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2022 sụt giảm do các đợt phong tỏa kéo dài gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Sau khi mở cửa, sự hồi sinh của tiêu dùng tại đại lục, vốn đã định hình nền kinh tế toàn cầu, sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch tại APAC.
Trong khi Trung Quốc vẫn cần thời gian để trở về mức trước đại dịch, tác động từ việc mở cửa trở lại ở giai đoạn đầu phần lớn sẽ đến từ việc khôi phục khả năng đi lại thay vì dòng vốn. Tuy nhiên, điều này vẫn kéo theo hàng loạt các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc và các quốc gia còn lại trên thế giới, từ đó thúc đẩy nhu cầu về bất động sản thương mại.
Theo nhiều chuyên gia, việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về đại dịch là mảnh ghép còn thiếu cuối cùng và có thể là yếu tố lớn nhất trong việc khôi phục triển vọng kinh tế, cả trên toàn cầu và trong khu vực, trở lại quỹ đạo trước đại dịch.
Du khách Trung Quốc giúp bất động sản khách sạn hồi phục
Sau khi Trung Quốc tuyên bố không áp dụng biện pháp cách ly đối với du khách trong nước, gồm cả những người từ nước ngoài trở về, kể từ ngày 08/01/2023, lượt tìm kiếm các chuyến bay quốc tế và khách sạn vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 năm trên trang web trip.com. Theo trang web du lịch này, lượng đặt phòng cho các chuyến du lịch nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán 2023 cũng tăng vọt.
Trong vài ngày đầu tiên sau khi biên giới mở cửa trở lại, nhiều khách du lịch đại lục đến Hồng Kông hơn, một số người thậm chí còn theo xu hướng “mua sắm trả thù”. Thị trường bán lẻ tại thành phố này đang hồi phục sau ba năm khó khăn nhờ số lượng ngày càng tăng các du khách đại lục, vốn chiếm 70-75% tổng lượt khách đến Hồng Kông trước đại dịch.
Khi hàng chục công ty Trung Quốc liên doanh được ra nước ngoài lần đầu tiên sau ba năm đóng cửa, các khách sạn sẽ là bất động sản đầu tiên được hưởng lợi. Các điểm đến trong khu vực chắc chắn sẽ đứng đầu danh sách, nhưng các quốc gia ở Đông Nam Á, nơi không áp đặt các hạn chế đối với du khách Trung Quốc, có thể sẽ là những thị trường được hưởng lợi sớm nhất.
Năm 2019, 32,3 triệu người Trung Quốc đã đến Đông Nam Á, chiếm hơn 1/5 lượng khách du lịch của toàn khu vực. Khi các hãng hàng không và khách sạn tăng cường công suất để đáp ứng sự trở lại của du khách Trung Quốc, quả ngọt sẽ đến nhiều hơn vào nửa cuối năm 2023.
Nhiều quốc gia châu Á đang đón đầu du khách Trung Quốc, đặc biệt là các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, thị trường đã đón phần lớn du khách Trung Quốc đến Đông Nam Á. Goldman Sachs ước tính tăng trưởng GDP của Thái Lan có thể tăng 3% khi du khách Trung Quốc quay trở lại. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ đón 5 triệu du khách Trung Quốc vào năm 2023, vẫn còn cách xa con số gần 11 triệu trước đại dịch, nhưng tốc độ phục hồi có thể sẽ dần tăng lên trong những tháng tiếp theo.
Dòng chảy thương mại thuận lợi thúc đẩy bất động sản hậu cần
Mặc dù việc Trung Quốc mở cửa trở lại không phải là một động lực đáng kể đối với bất động sản hậu cần tại APAC, vốn đã được hưởng lợi từ tăng trưởng thương mại điện tử, nhưng việc giảm gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc vẫn sẽ có tác động tích cực đối với các trung tâm sản xuất của khu vực.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam và việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng chống Covid sẽ giúp thúc đẩy dòng chảy thương mại giữa các nước láng giềng. Cả hai quốc gia này cũng liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc cung cấp cho các nhà máy của Việt Nam để sản xuất hàng hóa được lắp ráp và tái xuất khẩu trên toàn thế giới dưới dạng sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.
Một chuỗi cung ứng hiệu quả có thể khiến việc mua sắm dễ hơn, từ đó tạo ra nhu cầu nhiều hơn. Kết quả là, nhu cầu về không gian công nghiệp và hậu cần để sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hàng hóa cũng tăng lên.
Nhu cầu văn phòng tại các thị trường cửa ngõ ổn định
Các khách thuê văn phòng tại Trung Quốc vẫn thận trọng do hoạt động cho thuê tiếp tục trầm lắng trong quý cuối cùng của năm 2022, dẫn đến tỷ lệ hấp thụ ròng âm ở một số thành phố và tỷ lệ trống tăng đối với nguồn cung văn phòng mới. Tuy nhiên, thị trường được dự báo sẽ phục hồi và cải thiện khi Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa trở lại.
Thị trường văn phòng tại Hồng Kông sẽ sôi động hơn vì cả các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp đến từ đại lục đều kỳ vọng sẽ kết nối với nhau thông qua thành phố cửa ngõ này. Trong khi giá thuê khó có thể tăng trong bối cảnh nguồn cung vẫn dồi dào, nhu cầu về văn phòng tại Hồng Kông được dự báo sẽ tăng lên khi các chủ sở hữu tích cực hơn trong việc hút khách thuê để lấp đầy các tòa nhà.
Thị trường văn phòng Singapore cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng. Trong vòng 1 năm tính đến tháng 11/2022, có tới 500 công ty Trung Quốc đã âm thầm chuyển trụ sở hoặc đăng ký kinh doanh tại Singapore nhằm phòng ngừa rủi ro địa chính trị gia tăng.
Khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới, quá trình thiết lập văn phòng tại Singapore của họ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Từ đó, thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng tại đảo quốc này, nơi vốn được coi là điểm trú ẩn an toàn cho dòng vốn đầu tư trong khu vực.