Trung Quốc giảm mua, giá sắn đi xuống

Theo ước tính, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu tháng 5/2018 đạt 200 nghìn tấn, trị giá 91 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với tháng 4/2018; giảm 21,4% về lượng, nhưng tăng 42,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 460 triệu USD giảm 25,6% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân đạt 354 USD/tấn, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Hiện giá sắn lát xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống còn quanh mức 242 USD/tấn FOB, tương đương 255- 257 USD/tấn CNF.

Trước đó số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 4/2018 lượng tinh bột sắn xuất khẩu đạt 114,5 nghìn tấn, trị giá 70,7 triệu USD, giảm 16,4% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 3/2018, giá xuất khẩu trung bình đạt 489 USD/tấn, tăng 7,3% so với tháng 3/2018.

Trong đó, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với 130 nghìn tấn (chiếm 90% trong tổng lượng xuất khẩu), trị giá 63,25 triệu USD, giảm 13,3% về lượng và giảm 6,6% về trị giá so với tháng 3/2018.Ở thị trường trong nước, trong tháng 5, giá sắn nguyên liệu và tinh bột sắn về nhà máy giảm, do xuất khẩu gặp khó khăn và chất lượng sắn củ đưa về kém. Tại thời điểm cuối tháng 5, giá sắn đưa về các nhà máy tinh bột tại khu vực Tây Ninh giảm 300 đồng/kg so với đầu tháng, dao động quanh mức 3.100 – 3.200 đồng/kg.

Giá sắn nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên cũng điều chỉnh giảm còn phổ biến quanh mức 2.600 – 2.700 đồng/kg. Hầu hết các nhà máy khu vực Đắc Lắc đã nghỉ do hết vụ. Duy có khu vực Phú Yên và Gia Lai, một số vùng trồng muộn vẫn có sắn đưa về nhà máy, nhưng số lượng ít.

Không chỉ sắn Việt Nam giảm giá mà sắn Thái Lan cũng đi xuống. Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan cho biết, đã điều chỉnh giảm giá sàn xuất khẩu sắn từ 5 – 8 USD/tấn, xuống còn 240 – 245 USD/tấn FOB Băng-Cốc. Trong khi đó, theo báo giá của Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan ngày 24/5/2018, chào giá xuất khẩu tinh bột sắn giữ ổn định ở mức 550 USD/tấn FOB Băng-Cốc, trong khi giá tinh bột sắn nội địa tăng lên 16,7 Baht/kg, ngược lại giá sắn nguyên liệu nội địa giảm xuống mức 2,95 – 3,15 Baht/kg.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng sắn lát khô xuất khẩu của Thái Lan đạt gần 2,15 triệu tấn, trị giá 14,81 tỷ Baht (tương đương 460,8 triệu USD), giảm 11,2% về lượng nhưng tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Giá sắn lát của Thái Lan thấp hơn so với giá sắn lát của Việt Nam khiến cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu từ Thái Lan và giảm nhu cầu mua từ Việt Nam.

Giá sắn nguyên liệu tăng mạnh

Bài viết mới