“Trước đây chúng ta toàn nhập nguyên liệu, sản phẩm may mặc Trung Quốc nhưng năm 2017, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm may mặc vào thị trường Trung Quốc, dự kiến từ năm 2018 trở đi sẽ xuất được nhiều hơn” – ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – Vitas, cho biết như vậy.
Theo ông Giang, thị trường Trung Quốc bắt đầu tiêu thụ sản phẩm may mặc Việt Nam, bao gồm cả mặt hàng sợi, vải và sản phẩm thành phẩm như áo jacket, sơ mi.
Số liệu của Vitas cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc đang chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may. Trung Quốc đang là thị trường rất tiềm năng, mặt hàng sợi xuất từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang được hưởng thuế suất 0% nhờ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, trong khi sợi từ các thị trường khác như Ấn Độ, Pakistan xuất sang Trung Quốc phải chịu thuế 3% – 5%.
Ngoài ra, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đang đàm phán giữa ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc, New Zealand cũng mở ra cơ hội lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc vào Việt Nam lớn nhất, do có lợi thế giá rẻ và vị trí địa lý thuận lợi.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May Việt Tiến. Ảnh: Tấn Thạnh
Cũng theo Vitas, mặc dù gặp nhiều thách thức do hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP dừng lại gây ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất nhập khẩu từ cuối năm 2016 đầu năm 2017 nhưng từ quý II/2017 đã có những chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu cả năm toàn ngành dự kiến sẽ đạt trên 31 tỉ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong năm 2017, các doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực mở rộng thị trường, khai thác thêm thị trường mới; nhiều nhà đầu tư, nhà mua hàng không chỉ từ những thị trường truyền thống mà ở những thị trường mới cũng đã xúc tiến làm việc với Vitas, tìm cơ hội hợp tác làm ăn trong lĩnh vực này với doanh nghiệp Việt Nam.