Việc quy hoạch vùng trồng, áp dụng công nghệ mới cho cây thanh long đã giúp đời sống nông dân một số địa phương của tỉnh Long An khá hơn. Nhiều lô hàng thanh long chất lượng cao lần lượt được xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Đây chính là động lực để nông dân mạnh dạn chuyển đổi cách sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Một trong những mô hình mới đang được nông dân Long An quan tâm là trồng thanh long ruột đỏ bằng giàn theo công nghệ Israel.
Hàng chục năm nay, với 16.000 m2 đất, ông Trần Văn Năm, nông dân xã Long Trì, huyện Châu Thành chỉ tập trung canh tác thanh long ruột trắng. Gần đây, do thanh long ruột trắng giá thành thấp, đầu ra bấp bênh nên ông Năm mạnh dạn chuyển hơn 6.000 m2 đất sang trồng thanh long ruột đỏ, theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ bằng giàn tưới theo công nghệ Israel.
Toàn bộ diện tích thanh long ruột đỏ của ông Năm đến thời điểm này đều được áp dụng công nghệ tưới phân, tưới nước nhỏ giọt tự động có kiểm soát. Trên vườn của ông, mỗi trụ thanh long ra từ 30 – 35 trái, năng suất cao hơn nhiều.
Mùa vụ vừa qua, thanh long ruột đỏ có giá 45.000 đồng/kg đã mang về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng, thu nhập gấp đôi so với thanh long ruột trắng.
“Trồng thanh long so với làm ruộng hiệu quả hơn nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng thanh long. Từ thanh long, nhiều gia đình xây được nhà, có tiền cho con đi học Đại học, mua sắm xe cộ, đời sống khấm khá hơn nhiều lần” ông Năm cho biết.
Là một trong số những người đầu tiên ở xã Long Trì trồng thanh long ruột đỏ, cũng là người chủ động thay đổi thói quen trồng thanh long bằng trụ bê tông sang trồng bằng giàn sắt theo công nghệ Israel, ông Nguyễn Văn Minh, nông dân ấp Long Hòa, xã Long Trì, huyện Châu Thành đang có gần 10.000 m2 vườn trồng thanh long ruột đỏ bằng trụ, trong đó có 2.000 m2 trồng bằng công nghệ giàn sắt của Israel.
So với mô hình trồng trụ riêng lẻ, thanh long giàn vừa tiết kiệm được diện tích đất vừa giảm được một nửa công chăm sóc, hạn chế rất nhiều sâu bệnh, thu hoạch thuận tiện và tránh được bão, gió.
Thêm vào đó, hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp các loại máy móc hỗ trợ nông dân trong việc xác định lượng nước, lượng phân bón cần dùng vào từng thời điểm… của mô hình mới này đang chứng minh hiệu quả.
“Trồng thanh long theo mô hình cũ rất mất công lao động và chất lượng tưới không đồng đều. Với mô hình mới, thanh long phát triển tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh cho cây nhiều hơn”, ông Minh cho biết.
Mô hình trồng thanh long bằng giàn và tưới nhỏ giọt của Israel mới nên không phải nông dân nào cũng dám làm. Nhưng theo tính toán của Viện Cây ăn quả Miền Nam, nếu nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình này thì khả năng sẽ cho năng suất cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng trụ và chăm sóc theo kiểu truyền thống, có thể đạt từ 80 đến hơn 100 tấn/ha.
Huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang khuyến khích nông dân trồng theo công nghệ mới, đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, nhằm đáp ứng được những thị trường khắt khe về chất lượng.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, sở đang quan tâm đến vấn đề giống cho bà con, hiện đang phối hợp với Viện cây ăn quả để nghiên cứu những giống tốt hơn sạch bệnh hơn để giúp bà con đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu.
“Sở đang ưu tiên xuất khẩu thanh long theo chuẩn VietGap với những tiêu chí cao hơn, tập trung cho những thị trường khó tính. Sở đang tập trung thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ mới, hỗ trợ cho bà con”, ông Thiện cho hay.
Thời gian qua, đời sống người dân vùng trồng thanh long của huyện Châu Thành, tỉnh Long An được nâng lên đáng kể. Để hoàn thành kế hoạch xây dựng 2 ngàn ha thanh long sạch chất lượng cao, tỉnh Long An đã có kế hoạch tăng gấp đôi kinh phí cho việc ứng dụng thiết bị kỹ thuật vào sản xuất, quy trình xử lý sau thu hoạch để đưa trái thanh long vươn xa hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, người trồng thanh long cũng cần phải nắm bắt được các chủ trương, chính sách, tìm hiểu các mô hình, công nghệ, tiêu chuẩn để sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường./.