Chúng tôi đến Chi Lăng, Lạng Sơn vào một ngày mưa. Tại chợ na Đồng Đĩnh, từng xe máy chở na đến để cân bán cho thương lái. Không khí rất tấp nập.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Vi Thị Chính, một trong những thương lái thu mua na lớn nhất của chợ Đồng Đĩnh. Bà Chính chia sẻ: Ngày thường thu mua tầm 4 – 5 tấn, thứ 7, chủ nhật thì 5 – 6 tấn, ngày chính vụ thì còn nhiều hơn. Từ khu chợ này, na được đưa đi tiêu thụ khắp cả nước.
Nhờ cây na, cuộc sống của người dân huyện Chi Lăng đã có nhiều đổi thay. Tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, bên cạnh việc trồng na theo cách truyền thống thì từ đầu năm 2016, chính quyền địa phương đã xây dựng mô hình điểm trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, ở xã Quang Lang đang có khoảng 50 ha trồng na theo cách này.
Tổ trồng na VietGAP của xã hiện có khoảng 20 thành viên, mỗi thành viên đều được cán bộ nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc na theo đúng quy trình VietGAP.
Người dân xã Quang Lang trồng na trên núi đá.
Chia sẻ với phóng viên, bà Phùng Thị Thanh (xã Quang Lang, Chi Lăng, Lạng Sơn) cho biết: Quy trình VietGAP hướng tới trồng na sạch, từ khâu chăm bón, thu hoạch đúng quy định. Đầu tiên, chúng tôi làm cỏ sạch vườn, ủ và khử phân chuồng. Bón phân hữu cơ 3 lần, phân chuồng bón 1 lần cách cây na 30 cm, phân hữu cơ mỗi kỳ cách nhau 1 tháng. Bón lần cuối rồi sau 45 ngày thì thu hái. Bón phân xong phun thuốc chống rệp, rầy, bọ xít, cũng phải phân đều ra theo lịch. Nếu có sâu bệnh mới phun. Bên dự án hỗ trợ chúng tôi thuốc phun để na đảm bảo an toàn. Bà con chúng tôi rất tin tưởng vào kỹ thuật được học.
Theo người nông dân này, từ khi trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP thì quả na có chất lượng cao hơn vì ít sâu bệnh, ít ruồi vàng bâu, năng suất cao hơn, na ngon và sạch. Người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nếu na thường bán giá 20.000 đồng/kg thì na VietGAP sẽ có giá tầm 25.000 đồng/kg và bán rất nhanh.
Cùng chung niềm vui mừng vì một vụ mùa bội thu, bà Hứa Thị Dung cho biết: Vào nhóm trồng na VietGAP, ban đầu tôi thấy bỡ ngỡ, cắt tỉa, hay làm gì cũng phải ghi chép sổ sách thì mới nhớ được. Được cán bộ hướng dẫn tận tình, đến nay tôi đã có thể làm thành thạo.
Năm nay, nhà bà Dung có 2 ha trồng na, ước tính thu về khoảng 200 triệu đồng.
Trong thời gian tới, xã Quang Lang sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ bà con về giống cây và kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng tầm thương hiệu cho loại trái cây đặc sản này.
Ông Hoàng Văn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Quang Lang cho biết: Năng suất trung bình từ 6 – 7 tấn/ha, thu nhập 100 – 160 triệu/ha. Chính quyền địa phương xác định na là cây trồng chủ lực của địa phương nên đã tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật trồng na, triển khai trồng na an toàn VietGAP để đưa ra thị trường, tiếp tục vận động nhân dân trồng theo hướng VietGAP.
“Thu nhập từ cây na đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 200 – 300 triệu. Các hộ gia đình đã đầu tư nâng cấp nhà ở, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Thoan cho hay.
Quả na Chi Lăng có vị ngon ngọt đặc trưng khác với na trồng tại các vùng khác.
Được biết, năm nay, huyện Chi Lăng đã tổ chức thành công Ngày hội Na Chi Lăng lần đầu tiên tại thị trấn Đồng Mỏ. Ngày hội là dịp để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng và hình ảnh Lạng Sơn đến đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Cả huyện Chi Lăng có đến hơn 15.000 ha trồng na. Để nâng cao chất lượng na, huyện đã phát động các hộ nông dân sản xuất na an toàn, hỗ trợ nhân dân tở chức các lớp tập huẩn, làm bao bì nhãn mác… Năm 2017 đã tổ chức 3 điểm kết nối tại Hà Nội.
“Cây na có giá trị kinh tế cao, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, đóng góp 350 tỉ đồng vào ngân sách huyện. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con sản xuất theo mô hình VietGAP và xúc tiến thương mại để xuất khẩu na sang các thị trường ngoài nước”, ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn khẳng định.
Xem link gốc tại đây