TIN MỚI
Vào năm 2022, cả thế giới dường như thức tỉnh với sự thực rằng chất bán dẫn – chứ không phải dữ liệu – mới là dầu mỏ mới. Sự hợp lưu của các yếu tố, từ xung đột Ukraine – Nga cho tới hậu quả của đại dịch Covid-19 đã biến một học thuyết, tưởng chừng như mơ hồ, lại được chấp nhận rộng rãi. Cùng với đó, 100 tỷ USD đã được các quốc gia bơm vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Không giống như dầu mỏ, dữ liệu rất phong phú và rẻ. Giá trị thực nằm ở khả năng xử lý và hiểu nó. Vì vậy, chip rất quan trọng trong thế giới hiện đại. Đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới nhận ra rằng cuộc sống sẽ khó khăn như thế nào nếu thiếu chip.
Bây giờ, chúng ta mới nhận ra một thực tế về tầm quan trọng của chip. Dự đoán nhu cầu sụt giảm trong năm 2020 đã khiến các nhà sản xuất ô tô và hàng loạt công ty khác hủy các đơn đặt hàng chip. Các công ty điện tử tiêu dùng đã mua lại số chip dư thừa này. Sau đó, nhu cầu bất ngờ phục hồi, các nhà sản xuất ô tô không thể có được thành phần quan trọng họ cần để sản xuất xe. Những gián đoạn chuỗi cung ứng khác làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Rất nhiều con chip trong số đó có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc). Xung đột giữa Nga và Ukraine cho thấy hòn đảo này có nguy cơ bị tổn thương ra sao khi Trung Quốc luôn coi đây là phần lãnh thổ không thể tách rời của mình. Nếu tình hình giữa 2 eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng, hiệu ứng domino với chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là rất lớn.
Khi đó, Apple sẽ phải vật lộn để có chip cho iPhone. Nvidia là chip mà doanh nghiệp Đài Loan cung cấp nhằm vận hành các trung tâm dữ liệu trên khắp toàn cầu còn Infineon Technologies là bộ vi điều khiển cho ô tô do Volkswagen và nhiều hãng khác.
Trong năm 2021, gián đoạn nguồn cung có những hạn chế nhẹ nhưng 2022, mọi thứ tồi tệ hơn thế rất nhiều. Đột nhiên, vấn đề với chuỗi cung ứng của một công ty trở thành vấn đề địa chính trị cấp bách chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Châu Âu và Mỹ đã ngay lập tức bơm tiền để phản ứng lại.
Đạo luật Khoa học và Chip của Mỹ sẽ cung cấp khoảng 50 tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Liên minh châu Âu cũng đang thúc đẩy một gói tài trợ trị giá 45 tỷ USD để sản xuất khoảng 20% số chip trên toàn cầu vào năm 2030. Tuy nhiên, để giảm phụ thuộc vào chip của Đài Loan và các nền kinh tế khác sẽ mất nhiều năm nếu không muốn nói là hàng thập kỷ.
Khía cạnh thứ 2 là trong chiến lược của Mỹ với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Vào tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra các biện pháp cấm xuất khẩu sang Trung Quốc không chỉ chip được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây hiệu năng cao mà còn cả thiết bị để sản xuất chúng.
Mặc dù đây có thể là động thái đúng đắn nhằm hạn chế mối đe dọa đang gia tăng với người Mỹ nhưng nó cũng làm tăng các nguy cơ bất ổn địa chính trị khác. Một số người thậm chí còn so sánh lệnh cấm vận của Mỹ với lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1941 của Mỹ nhằm vào Nhật Bản, dẫn đến cuộc tấn công Trân Châu Cảng.
Hiện tại, Mỹ vẫn có lợi thế đáng kể so với Trung Quốc trong ngành công nghiệp chip. Nhưng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chắc chắn không chịu lép vế.
Tham khảo: Bloomberg
Linh Anh
Nhịp sống Thị trường