Thời gian gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh các cuộc tuần tra trên không và trên biển tại các khu vực gần Nhật Bản, một phần trong nỗ lực tăng cường hiện diện của Bắc Kinh ở khu vực từ bờ biển của họ tới Thái Bình Dương. Phía Nhật Bản liên tiếp kêu gọi Trung Quốc rút lui trong khi tăng cường khả năng phòng vệ.
Hồi đầu tháng, Nhật Bản lần đầu phát hiện thấy tàu ngầm Trung Quốc tiến vào vùng tiếp giáp (nằm cách bờ từ 12 tới 24 hải lý) ở quần đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông, động thái có thể thổi bùng những căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, kể từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump theo đuổi chính sách đối ngoại “nước Mỹ là trên hết”, khiến hàng loạt đồng minh châu Á tỏ ra quan ngại về vai trò của Mỹ trong việc ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang ngày càng mạnh, cả về kinh tế và quân sự.
Ja Ian Chong, phó giáo sư Đại học Quốc gia Singapore chuyên trách quan hệ châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Sự không thể đoán trước của chính quyền Tổng thống Trump khuyến khích các đồng minh của Mỹ phải tự tìm cách bảo vệ mình. Trừ khi tìm được giải pháp chung làm hài lòng tất cả các bên, những gì đang diễn ra sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Đông Á, tiềm ẩn xảy ra các sự cố”.
Hiện tại, tương tác giữa Mỹ với Trung Quốc chỉ xoay quanh vấn đề Triều Tiên và thương mại dù. Tuy nhiên, trong một văn kiện được công bố tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ nhắc lại việc Trung Quốc hiện đại hóa và mở rộng các cơ sở quân sự phi pháp ở Biển Đông là mối đe dọa với sức mạnh của Mỹ.
Đáp lại, Trung Quốc phản đối tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ đồng thời kêu gọi Washington hãy vứt bỏ tư tưởng thời “Chiến tranh Lạnh”. Phía Bắc Kinh cũng bác bỏ những cáo buộc xâm phạm không phận và hải phận ở khu vực biển Hoa Đông.
Dù vậy, tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách kỷ lục lên tới 47 tỷ USD cho quốc phòng, đánh dấu lần tăng thứ 6 liên tiếp dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, các loại tên lửa phòng thủ mà Tokyo mua không chỉ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên mà còn đáp ứng các mục đích phòng thủ khác.
Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi căng thẳng lên tới đỉnh điểm vài năm trước, Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng tàu cảnh sát biển để phun vòi rồng vào nhau xung quanh khu vực tranh chấp. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo không có người ở nhưng sở hữu những hòn đảo này sẽ mang đến những quyền lợi về khai thác dầu khí, khoáng sản và đánh bắt cá ở các vùng biển xung quanh.