Theo số liệu chính thức từ một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản, gần như một phần tư các công ty Nhật Bản yêu cầu nhân viên làm thêm tới hơn 80 giờ mỗi tháng. Đáng nói, số giờ làm thêm này thường không được trả tiền. Ngoài ra, người Nhật cũng không được nghỉ ngơi đầy đủ.
Theo một nghiên cứu của Expedia cho biết, người lao động Nhật Bản thường không dùng tới 10 ngày nghỉ phép của họ. 63% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy tội lỗi khi nghỉ phép mà vẫn được nhận lương.
Tuy nhiên, làm việc nhiều giờ không có nghĩa là năng suất cao. Trên thực tế, năng suất lao động ở Nhật Bản tháp nhất trong nhóm các nước G-7.
Chết vì làm việc quá sức
Thuật ngữ “karoshi” hay chết vì làm việc quá sức đã chính thức được luật pháp Nhật Bản công nhận như là nguyên nhân dẫn tới một trường hợp tử vong. Năm 2015, một nhân viên của Dentsu, công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản, đã nhảy lầu tự sát. Nguyên nhân được xác định là do người phụ nữ này quá căng thẳng trong công việc và trầm cảm do làm việc quá sức.
Vụ việc như hồi chuông cảnh báo, khiến cả nước Nhật phải chú ý. Người ta cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản thay đổi giờ làm việc kéo dài cũng như chấm dứt việc làm thêm mà không được nhận lương, điều hoàn toàn đi ngược lại với luật pháp Nhật Bản nhưng lại diễn ra rất phổ biến.
Những áp lực gia tăng khiến CEO của Dentsu phải từ chức trong khi công ty bị phạt vì vi phạm tiêu chuẩn lao động như buộc nữ nhân viên tự sát làm việc tới 100 giờ thêm mỗi tháng. Sau vụ việc, Dentsu đã thực sự thay đổi như tắt đèn trong văn phòng sau 10 giờ tối, động thái buộc các nhân viên phải trở về nhà.
Thách thức bắt nguồn từ văn hóa
Cả chính phủ Nhật Bản và các công ty đều cho biết họ sẵn sàng nỗ lực để giảm giờ làm. Chính phủ đang xem xét một số sáng kiến để hạn chế nhân viên ở trong văn phòng quá nhiều, bao gồm việc buộc một người phải nghỉ phép ít nhất 5 ngày mỗi năm và quy định thời gian giữa các lần nghỉ.
Trong năm 2016, một ngày quốc lễ mới có tên “Mountain Day” được ấn định, nâng số ngày nghỉ lễ của nước Nhật lên 16 ngày. Năm ngoái, chính phủ khởi động sáng kiến mang tên Premium Fridays, trong đó khuyến khích nhân viên rời văn phòng lúc 3 giờ chiều vào thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy chưa tới 4% nhân viên trong các công ty ở Nhật thực thi Premium Fridays.
Chính văn hóa làm việc của người Nhật khiến những sáng kiến khó đi vào thực tế.