Nói chính xác hơn, một trong những cách để các bậc cha mẹ Trung Quốc khẳng định sự giàu có, địa vị của mình trong xã hội là thông qua việc học hành của con cái, qua học phí, những kỳ nghỉ hè và những chương trình ngoại khóa…
Gần đây, dư luận Trung Quốc xôn xao với bài báo của một người mẹ có địa vị cao (lương cao) rằng bà khó có thể cho con theo học các chương trình ngoại khóa mùa hè đắt đỏ của nhà trường, cho dù lương của bà không hề ít (khoảng 4.493 USD). Tổng chi phí học hè cho con gái bà rơi vào khoảng 5.240 USD, trong đó có 3.000 USD là dành cho một chuyến du lịch kết hợp học tập tại Mỹ trong 10 ngày và 1.500 USD dành cho các lớp dạy kèm mùa hè.
Ngay sau khi được đăng tải, bài viết đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn tập trung đặt ra câu hỏi, liệu một kỳ nghỉ hè đắt đỏ có thực sự khiến con bà tốt hơn đứa trẻ khác, hay đầu tư bao nhiêu cho đủ. Tuy nhiên, vẫn có những bà mẹ khẳng định họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn nữa cho những lớp học ngoại khóa hoặc cao cấp chỉ với mong muốn rằng con mình được hưởng sự giáo dục ưu tú nhất để có thể nổi bật nhất trong số những đứa trẻ cùng lứa tuổi.
Hiện tượng xã hội phản ánh mối lo lắng địa vị của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Theo báo cáo tháng 6/2017 của HSBC về chi phí giáo dục toàn cầu, 93% cha mẹ Trung Quốc đầu tư cho con theo học các trường tư thục thay vì trường công, trong khi con số này ở Hoa Kỳ là 46%, ở Pháp là 32% và ở Anh là dưới 40%.
Phụ huynh Trung Quốc tin rằng, chất lượng giáo dục tỉ lệ thuận với học phí mà họ phải bỏ ra, do đó con càng học trường đắt tiền thì càng giỏi. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng.
Nhiều phụ huynh Trung Quốc không tiếc tiền cho con theo học các khóa học cung cách quý tộc.
Yu Xiulan, Giáo sư Giáo dục tại Đại học Nam Kinh, đã viết trong một bài viết trên blog vào tháng 9/2016: “Hiện tượng bất hợp lý này tập trung lớn nhất ở tầng lớp trung lưu Trung Quốc”. Nếu như tầng lớp thượng lưu không hề lo lắng về việc địa vị xã hội bị thay đổi do giáo dục, tầng lớp thấp hơn không có khả năng chi trả thì tầng lớp trung lưu ở giữa lại là những người lo lắng nhất. Họ lo lắng về việc giữ địa vị xã hội hiện tại thúc giục họ chi tiêu rất nhiều tiền cho giáo dục, thậm chí phải trả giá bằng chất lượng cuộc sống, để giúp họ cảm thấy an toàn. Nếu như trước đây, họ coi việc khoác lên mình những bộ đồ đắt tiền hoặc lái những chiếc siêu xe là cách để thể hiện thì nay, điều này được chuyển đổi thành học phí của con, bằng những kỳ nghỉ dã ngoại đắt đỏ.
Các thương hiệu, đặc biệt là ngành hàng xa xỉ có thể gặp đôi chút khó khăn vì phần lớn tiền mua sắm trước kia của giới trung lưu bây giờ đã đổ vào việc giáo dục con cái. “Tầng lớp trung lưu” là từ khóa mà tất cả các doanh nghiệp phải xoay quanh và thay đổi, từ chiến lược, thông điệp tiếp thị và xây dựng thương hiệu phù hợp với nhu cầu thực sự của khách hàng về cảm giác an toàn về địa vị xã hội hiện tại.
Muốn con được giáo dục một cách tốt nhất, phụ huynh Việt đau đầu lựa chọn: Trường công hay trường quốc tế?
Ở Việt Nam, vấn đề cho con theo học trường công hay trường quốc tế cũng khiến phụ huynh đau đầu. Bởi họ mong muốn con cái được giáo dục trong môi trường tốt nhất, chất lượng cao nhất. Câu nói vốn là ‘khẩu hiệu’ của một số cơ sở kinh doanh giáo dục “Đừng để con cái thua ngay từ vạch xuất phát” đã trở thành câu cửa miệng của rất nhiều bậc phụ huynh.
Họ vô tình bị cuốn vào cuộc đua giáo dục con cái ngay từ khi chúng còn chưa chào đời, mới 1-2 tuổi đã bắt đầu dạy học chữ; 3-4 tuổi cho đi học đàn, học vẽ, học tiếng Anh. Rồi lại nghĩ trăm phương ngàn kế để con được vào học trong những trường mầm non tốt nhất, trường tiểu học tốt nhất; các trường học tư nổi tiếng với chất lượng cao và mức học phí cũng không hề rẻ. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư khôn ngoan nhất, vì thế họ không tiếc tiền bạc cho con tham gia vào các lớp bồi dưỡng tài năng.
Cuộc tranh luận thu hút sự quan tâm của rất nhiều người nhưng vẫn chưa thể đi đến kết luận. Cho con học trường công hay trường quốc tế, đó là sự lựa chọn của mỗi gia đình. Tùy thuộc vào quan điểm cá nhân và tình hình tài chính, các phụ huynh nên cân nhắc ngôi trường phù hợp nhất để trẻ được phát triển tự nhiên và có cơ hội hoàn thiện các kỹ năng, năng lực cá nhân.