Chúng tôi tìm về xã Đồng Hóa (huyện Kim Bảng), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” dưa bao tử. Sau trận lụt lịch sử xảy ra vào giữa tháng 10 vừa qua đã làm nhiều hecta dưa bao tử (mới trồng được khoảng 10 ngày) trên địa bàn xã bị chết hoàn toàn.
Để khắc phục tình trạng trễ thời vụ, sau khi nước rút, bà con nông dân xã Đồng Hóa đã tranh thủ làm lại vồng, xuống giống mới. Đến nay, dưa bao tử đã ra hoa và đang bói quả (quả ra lần đầu – PV).
Vừa bắt ngọn dưa lên giàn, bà Nguyễn Thị Tạo (thôn Phương Lâm, xã Đồng Hóa) vừa nói, hơn 10 năm nay người dân nơi đây chỉ tập trung trồng dưa bao tử vào vụ đông, còn những giống cây khác như ngô, bí trồng rất ít. Bởi dưa bao tử cho năng suất cao và giá thành ổn định hơn, đầu ra không bị “tắc”.
Bà Nguyễn Thị Tạo chăm sóc cây dưa
Theo bà Tạo, nếu chăm sóc tốt 1 sào thu hoạch được khoảng 2 tấn dưa. Như mọi năm, với giá bán là 5 nghìn đồng/kg, sau khi từ tất cả chi phí, gia đình bà cũng “đút túi” được hơn 10 triệu đồng/2 sào dưa.
“Như mọi năm, với diện tích là 2 sào, gia đình tôi cũng thu hoạch được gần 4 tấn dưa. Sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình cũng thu về hơn 10 triệu đồng. So với trồng lúa, lợi nhuận của dưa bao tử đem lại gấp khoảng 3 lần”, bà Tạo phấn khởi.
Bên cạnh đó, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chanh cũng đang chạy đua với thời vụ. Hơn 2 sào dưa bao tử của gia đình anh đã bị chết hoàn toàn sau trận lụt lịch sử vừa qua, nên vợ chồng anh đang tích cực chăm sóc để cây phát triển nhanh và kịp thời vụ.
Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh Chanh bảo, trồng dưa bao tử rất dễ, cho năng suất cao, giá cả ổn định, đầu ra không phải lo, nên mọi năm hơn 2 sào dưa của gia đình, ra quả đến đâu bán hết đến đó.
“So với cây trồng khác như ngô, bí xanh thì dưa bao tử cho năng suất cao. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết ủng hộ thì mỗi sào gia đình tôi cũng thu hoạch được 2 – 2,5 tấn/sào”, anh Chanh khẳng định.
Cũng theo anh Chanh, dưa bao tử của người dân được HTXNN Đồng Hóa thu mua với giá 5 nghìn đồng/cân, sau đó HTX bán lại cho một số Cty để xuất khẩu sang nước ngoài.
Ruộng dưa bao tử đang ra hoa và bói quả
Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nam cho biết, toàn tỉnh trồng 12.907ha cây vụ đông (105,4%). Trong đó, tập trung các loại cây chủ lực là ngô, dưa chuột, rau các loại. Hai huyện Kim Bảng và Lý Nhân có diện tích trồng nhiều nhất.
Tại xã Văn Xá, vụ đông năm nay những cây truyền thống như ngô, đậu tượng, bí xanh đang thu hẹp rất mạnh, người dân chỉ tập trung đẩy mạnh phát triển cây dưa bao tử.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTXNN Văn Xá cho biết, năm 2003 xã Văn Xá bắt đầu đưa giống dưa bao tử vào trồng. Do mang lại hiệu qủa kinh tế cao nên diện tích dưa bao tử của toàn xã tăng dần lên theo từng năm.
Đến nay, toàn xã đã trồng 137,8 mẫu dưa bao tử và các loại dưa khác. Trong đó, dưa bao tử, chiếm 70% (gần 100 mẫu). Người dân đang tập trung chăm sóc để chuẩn bị thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Theo ông Hùng, loài dưa này rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên năng suất rất cao, 1 sào cho thu hoạch hơn 1 – 1,5 tấn, nếu chăm sóc tốt có thể hơn. Với giá bán từ 5 – 5,5 nghìn đồng/kg thì trung bình mỗi vụ người dân thu lãi hơn 7 – 7,5 triệu đồng/sào, cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa.
“Từ lúc xuống giống cho ngày đến thu hoạch chỉ mất khoảng 40 ngày. Người nông dân không phải lo đầu ra. Dưa bao tử được Cty Hoàng Hương thu mua lại, sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản”, ông Hùng bộc bạch.
“Dưa bao tử là một loại cây dễ trồng, ít dịch bệnh, thời gian kéo dài khoảng 100 – 105 ngày là kết thúc thời vụ. Do trồng dưa cho thu nhập cao hơn trồng lúa nên vụ đông luôn được xác định là vụ chính thứ 3 trong năm”, ông Dương Đức Hùng cho biết thêm.