UBND tỉnh Bình Dương vừa công bố quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá Tổng Công ty Sản xuất – Xuất Nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp), trong đó CTCP Đầu tư Phát triển SACOM là một trong ba nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cổ phần được mua lên đến 13% vốn.
Nếu tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cp, dự kiến SACOM của Shark Vương sẽ phải bỏ ra 390 tỷ đồng cho thương vụ thâu tóm trên.
Theo kế hoạch cổ phần hoá, Protrade có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng; trong đó Nhà nước sẽ giảm sở hữu xuống còn 50% tương ứng 150 triệu cổ phần, bán ưu đãi cho người lao động 272.600 cổ phiếu; bán cho nhà đầu tư chiến lược 39,91% tương ứng 119,7 triệu đơn vị; bán đấu giá ra công chúng (IPO) 10% cổ phần tương ứng 30 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, hiện danh sách nhà đầu tư chiến lược Protrade Corp có sự góp mặt của SACOM với tỷ lệ được mua là 13% vốn, xếp sau Công ty TNHH Phát triển với 20,91%, ngoài ra 6% vốn còn lại được đăng ký mua bởi CTCP Đầu tư U&I.
Trong đó, SACOM là tiền thân CTCP SAM Holdings (HOSE: SAM)- đơn vị ông Trần Anh Vương (còn được biết đến là Shark Vương) làm Tổng giám đốc. Tính đến nay, ông Vương đang nắm 6,32% vốn của SACOM, tương ứng giá trị 113,2 tỷ đồng và là cổ đông lớn nhất của Công ty.
Riêng Shark Vương sau nhiều đình đám với chương trình Shark Tank Việt Nam, thì mới đây CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1) do ông làm Chủ tịch vừa bị Sở GDCK Hà Nội gửi văn bản yêu cầu báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết. Cụ thể, TH1 đã lỗ 3 năm liên tiếp 2015-2017, và lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2017. Như vậy cổ phiếu TH1 huộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định.
Còn về SACOM, năm 2017 doanh thu thuần Công ty đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 21,8% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 5,4 lần, đạt gần 115 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất trong 4 năm trở đây của doanh nghiệp này. Được biết, khoản lãi đột biến trên được đóng góp chủ yếu từ hoạt động tài chính trong năm. Cụ thể, năm 2017 doanh thu tài chính Công ty đột biến từ mức 65 tỷ lên 238 tỷ đồng, tương đương tăng gần 4 lần. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính theo đó đạt đến 68 tỷ đồng, trong khi năm ngoái thua lỗ hơn 1 tỷ.
Đặc biệt, với định hướng sẽ là công ty đầu tư kể từ năm 2017, tính đến ngày 31/12/2017, danh mục đầu tư chứng khoán của SACOM khá đa dạng với 10 cổ phiếu đến từ những ngành nghề khác nhau. Tổng giá trị đầu tư đạt 582 tỷ đồng, gấp 2.7 lần so với giá trị đầu tư đầu năm. Trong đó, phải kể đến 284 tỷ đồng vào Dược Việt Nam (DVN), đây cũng là mã chứng khoán chiếm tỷ trọng đầu tư cao nhất hiện tại của SAM. Ngoài ra, SAM còn đầu tư một số cổ phiếu tăng tốt hiện nay như DXG, PVD…
Protrade Corp hấp dẫn như thế nào?
Không chỉ SACOM, nhà đầu tư chiến lược U&I cũng là doanh nghiệp nổi tiếng trên thương trường, được sáng lập bởi hai doanh nhân tên tuổi là ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT bà Đoàn Ngọc Tố Uyên. U&I hiện là công ty mẹ của hơn 30 công ty thành viên và liên doanh hoạt động trong 8 lĩnh vực chính như bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất.
Quay lại phương án cổ phần hóa, với giá tối thiểu chào bán IPO là 12.000 đồng/cp, số tiền ba nhà đầu tư chiến lược dự kiến bỏ ra để sở hữu lô cổ phần 39,91% của Protrade Corp lên đến hơn 1.400 tỷ đồng, riêng SACOM chi khoảng 468 tỷ đồng.
Dự kiến ngày 28/03 tới đây, Protrade Corp sẽ chào bán ra công chúng 30 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần.
Về Protrade Corp, Tổng Công ty được thành lập năm 1982, tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé. Protrade Corp hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi trồng trọt, ngoài ra Tổng Công ty còn tham gia xây dựng, gia công, sản xuất đa ngành, vận tải, kinh doanh bất động sản… với danh sách lĩnh vực hoạt động tính đến nay đã lên đến 82 ngành nghề khác nhau. Hiện Tổng Công ty đang quản lý 9 công ty con và 11 công ty liên doanh liên kết.
Trong đó, đáng chú ý Protrade Corp đang sở hữu Công ty Sân Golf Palm Sông Bé. Được biết, sân golf này có diện tích lên tới 1,04 triệu m2, thời hạn thuê đất của sân golf được xác định đến năm 2042.
Ngoài ra, Tổng Công ty còn đang sở hữu 30% cổ phần trong Công ty Đầu tư và Phát triển Tân Thành – đơn vị đang vận hành sân golf Thái Hoà với diện tích đất 1,45 triệu m2, thời hạn thuê tới năm 2056.
Sức hấp dẫn từ cổ phần hoá của Protrade Corp còn đến từ hệ thống các công ty con, công ty liên của doanh nghiệp này, điển hình có Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc, Công ty TNHH Ascendas-Protrade, CTCP Phát triển Phú Mỹ, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam… Riêng Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam chính là đơn vị đang đầu tư khu công nghiệp Protrade International Tech Park 500 ha tại Bình Dương, còn FrieslandCampina Việt Nam là liên doanh sản xuất và phân phối mặt hàng sữa cô gái Hà Lan (Dutch Lady), Friso, YoMost, Fristi, Completa…
Chưa kể, là một trong ba doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương, Protrade Corp còn sở hữu nhiều khu đất lớn, có vị trí chiến lược như khu đất vành đai sân golf với diện tích 16.583 m2, Nhà máy nước đá Dĩ An diện tích 2.154 m2, Nhà máy giấy Vĩnh phú với diện tích 45.653 m2. Được biết, đây là các khu đất được thuê trả tiền hàng năm.
Tự thấy điểm yếu là đầu tư đa ngành, Protrade Corp đặt mục tiêu lãi hơn 183 tỷ đến năm 2020
Tự nhận thấy hiện đang là đơn vị kinh doanh đa ngành, trong khi các lĩnh vực không có sự hỗ trợ nhau, khó xác định được ngành nghề cốt lõi để thu hút đầu tư. Chưa kể, ngành nông nghiệp hiện tại thu hồi vốn lâu, trong khi nợ vay nhiều là gánh nặng với Tổng Công ty và áp lực về dòng tiền, đồng thời nhiều đơn vị liên kết còn làm ăn chưa hiệu quả… Theo đó, đặt kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018-2020, Protrade Corp khá khiêm tốn với tốc độ tăng chưa đạt đến 5%, trong khi năm 2020 dự kiến doanh thu giảm 14% so với kế hoạch năm 2019.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế theo kỳ vọng của Tổng Công ty chỉ đâu đó 5,4%, 2018 dự kiến đạt 164,8 tỷ, con số đến năm 2020 là 183,3 tỷ đồng.