Cam có nhiều loại, nhưng gần đây cam mật không hạt và cam xoàn được huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang đưa vào trồng và nhiều người trở thành tỉ phú.
Cây trồng sang trọng
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang Lê Mỹ Hạnh, chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” đã thành công ở mô hình này.
Với 5 ha trồng trong dự án đã cho kết quả phù hợp. Mô hình đã được nhiều nhà vườn đón nhận. Cam mật không hạt sẽ là giải pháp cho sự chọn lựa giống cây trồng thích hợp để khuyến khích người dân phát triển nhằm hạn chế rủi ro từ dịch bệnh vàng lá gân xanh.
Hơn nữa, việc áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.
Người dân trong vùng dự án còn tiếp cận được kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bớt phụ thuộc vào tự nhiên và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nông sản của thế giới, để từng bước xây dựng một vùng nguyên liệu chất lượng, đủ tiêu chuẩn để vươn ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, tại đây nhiều người trồng cam xoàn đã gia nhập câu lạc bộ 1 tỉ đồng/năm. Với giá bán trên thị trường lúc nào cũng cao hơn giá cac loại cam thường từ 15.000 đồng/kg – 20.000 đồng/kg; cam xoàn có khả năng thu về trên 1 tỉ đồng/ha/năm trong thời gian cho trái. Thời gian cho trái ổn định, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi các loại cây trái khác sản xuất chuyên canh cam xoàn.
Dù vậy, cây cam không phải dễ trồng, nhất là cam xoàn. Để có năng suất và chất lượng cần bón phân, chăm sóc đúng cách.
Để trái cam đẹp, chất lượng
Ngoài việc chọn giống tốt, trồng theo đúng kỹ thuật, bón phân là khâu quan trọng. Phân hữu cơ: 5 – 10kg gốc/năm. Phân bón hóa học: Ở đây ta sử dụng phân NPK 16-16-8: Năm thứ nhất, bón 200- 300g, chia làm 4-5 lần vào giai đoạn lá già; năm thứ hai, lượng phân tăng gấp đôi, chia 3- 4 lần; thời kỳ kinh doanh (cây từ 3 năm tuổi trở lên), bón 1- 1,5ký, chia ra 5 lần bón. Bón phục hồi sau khi thu hoạch trái: Bón 1/5 lượng phân NPK, thêm 100g phân Urê và toàn bộ phân hữu cơ.
Làm trái (xiết nước 3 tuần) và cho nước trở lại: Bón 1/5 lượng phân NPK và 100- 150g phân Kali; đậu trái bằng ngón tay, bón 1/5 lượng phân NPK. Khi quả đang lớn nhanh, bón 1/5 lượng phân NPK, thêm 100g Urê 150g, và 100g phân Kali. Trước khi thu hoạch 1 tháng, bón 1/5 lượng phân NPK còn lại và thêm 150- 200g phân Kali.
Cam xoàn cũng bị một số sâu bệnh thường gặp. Nếu thấy có sâu vẽ bùa dùng thuốc nội hấp để phòng trị như: Sevin 80WP, Padan 95SP, Cymbush, Lannate, dầu DC. Tron Plus… Đối với Rầy mềm dùng thuốc: Bassa 50ND, Supracide 40EC, Polytrin 40EC, Trebon 10ND… Rầy chổng cánh nên trồng cây Nguyệt quới, Cần thăng, dây Tơ hồng xung quanh vườn để tập trung rầy chổng cánh sau đó định kỳ phun thuốc Applaud MIPC 25% BTN, Admire 50ND, Bassa, Trebon…
Khi gặp bệnh loét do vi khuẩn và bệnh ghẻ do nấm: Bệnh gây hại nặng vào mùa mưa. Phòng trị: Tiêu hủy cành lá gây bệnh; phun các loại thuốc gốc đồng như: Cooper Zine, Coc 85, Bordeaux, Cocide, Kasumin… Bệnh vàng lá Greening: Phòng trị: loại bỏ các cây bị nhiễm bệnh nặng trong vườn quả, sử dụng thuốc hóa học diệt trừ rầy chổng cánh và bảo vệ chồi non lá non.
Bệnh thối gốc cháy nhựa: Do nấm Phytopthora SP gây ra bệnh nặng cây có những đường mục dọc gây chảy mủ, bệnh gây hại ở rễ, thân và trái. Phòng trị: Chọn gốc ghép có tính chống chịu; trồng trên đất ráo, tránh gây vết thương ở vùng gốc và rễ, dùng các loại thuốc như Aliette 80 BHN, Ridomyl 72 WP, Metalaxyl… để bôi vào vết thương hay tưới vào gốc.