Trộn hoá chất trong thức ăn chăn nuôi: Làm ăn gian dối, coi thường sức khoẻ người tiêu dùng

Điểm mặt chất độc trong thức ăn chăn nuôi

Năm 2015, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tình trạng chất vàng ô được doanh nghiệp sử dụng pha trộn vào để sản xuất các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm. Việc sử dụng chất vàng ô trong công nghiệp vào sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm tạo màu là hành vi vô đạo đức. Nếu như trước đó phát hiện các vụ sử dụng chất vàng ô chủ yếu là do các hộ chăn nuôi tự phối trộn thì nay đã bắt được quả tang cả doanh nghiệp cũng chủ động sử dụng chất này.

Lý do người ta đưa chất tạo màu vàng vào thức ăn cho gia súc là do người chăn nuôi ngộ nhận thức ăn càng có màu vàng thì càng giúp tạo màu vàng cho da chân (hoặc cho lòng đỏ trứng) gà.

Việc trộn chất vàng ô vào thức ăn chăn nuôi là hành vi vô đạo đức của những người sản xuất, bởi ngay trên bao bì đựng chất này đã ghi rõ chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, xây dựng, nghiêm cấm sử dụng tạo màu trong chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Chất vàng ô là chất độc hại đối với cơ thể sinh vật nói chung. Ngoài ra, chất này có thể gây kích ứng rất dữ dội, nếu tiếp xúc với da sẽ gây ngứa và bong tróc da, tiếp xúc qua đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, qua đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy. Điều đáng sợ là nó có thể tích tụ trong thịt của gia súc gia cầm, rất khó đào thải. Bên cạnh đó, vì chất này nguyên thủy được sử dụng trong công nghiệp nên cũng không được lọc hết kim loại nặng. Người ăn phải những gia súc bị tích tụ những kim loại này nặng có thể chịu nhiều hậu quả như hư gan, mật, vô sinh hay bệnh mau quên, chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra còn có thể gây ung thư.

Chưa hết, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng loạt doanh nghiệp dùng chất tạo nạc (Salbutamol) trộn vào thức ăn chăn nuôi với liều lượng cực cao, có mẫu phát hiện vượt 75 lần tiêu chuẩn cho phép. “Chất tạo nạc” chính là tên gọi nôm na dành cho nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. 3 chất có tính tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường là sabutamol, ractopamine, clenbuterol, trong đó sabutamol là chất được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000 – 6.000 mg/ngày) sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt. Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, vọng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và là một trong những tác nhân gây ung thư.

Gần đây, Bộ NN&PTNT kiểm tra đột xuất một số công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide trong “Bột dinh dưỡng cao đạm” để đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.

Ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: việc nâng cao độ đạm này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng (đạm giả), mặt khác gây tồn dư trên động vật và gây các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm có chất này. Tình trạng buôn bán các hóa chất trộn vào thức ăn chăn nuôi này đã diễn ra từ vài năm nay và hầu như rất nhiều loại “bột cá” được kẻ gian trộn loại đạm giả này để trục lợi.

Chất cấm được phát hiện trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Vì lợi nhuận, bất chấp tất cả

Những chất hoá học trộn vào thức ăn chăn nuôi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. TS Trần Hồng Côn – Khoa Hoá, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Việc cho chất hoá học vào thức ăn chăn nuôi đáng lên án. Đơn cử như cả ba chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide mà cơ quan chức năng vừa phát hiện trong thức ăn chăn nuôi đều là những chất “đạm (nitơ) không protein” và đều là các chất cơ bản là không độc. Ví dụ như đối với cyanuric acide thử nghiệm trên chuột cho thấy hàm lượng gây chết phải tới 7,7g/1kg cơ thể.

Theo đó, FDA (Mỹ) cho phép sử dụng liều lượng nhất định trong thức ăn và nước uống cho gia súc. Cyanuric acide được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, làm chất tẩy trắng, chất diệt khuẩn và diệt nấm mốc. Trong xử lý nước sinh hoạt, cyanuric acide này được sử dụng như chất ổn đinh clo trong tiệt trùng nước.

“Tuy nhiên, một điều nguy hiểm khi sử dụng chất này là khi nó kết hợp với melamine sẽ tạo ra những tinh thể ít tan. Nên khi gia súc hay con người nhận các chất này vào cơ thể, những tinh thể nói trên sẽ gây ra chảy máu đường tiết niệu và sỏi thận cao”. TS Trần Hồng Côn phân tích.

Một nghiên cứu khác về ngộ độc học nêu lên rằng trong thức ăn chăn nuôi của các vật nuôi trong nhà (chó, mèo) có nhiễm hỗn hợp hai chất melamine và acid cyanuric sẽ gây ra suy thận cấp.

Cũng theo TS Trần Hồng Công, còn dicyandiamide và ammelide là những chất có cấu trúc tương tự còn được sử dụng làm phân đạm nhả chậm, làm nguyên liệu để sản xuất thuốc chữa bệnh và sản xuất keo epoxi, keo dán… Chúng đều là các chất có độ độc thấp và trong thực tế, chưa có trường hợp nào bị ngộ độc bởi các chất này được ghi nhận. Giữa dicyandiamide, ammelide và melamin luôn có sự chuyển hóa qua lại trong những điều kiện nhất định.

Đối với nhà sản xuất, melamine và cả với acid cyanuric, là hai chất giúp làm tăng “nồng độ đạm” trong sản phẩm dù nồng độ đạm thật trong đó chả có bao nhiêu. Vì lợi nhuận, nhà sản xuất thực phẩm đã đánh lừa nhà kiểm định bằng cách cho melamine vào thực phẩm. Do lòng tham không đáy, một số nhà sản xuất còn cho vào cả hai chất melamine và acid cyanuric. Thế là gây ra thảm họa ngộ độc hàng loạt. Acid cyanuric rẻ hơn melamine nhiều, đó cũng là lý do có thể có sự hiện diện cả đôi trong thực phẩm dẫn tới gây độc mà người ta không ngờ đến.

Ông Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh về mức nguy hiểm với sức khỏe con người khi ăn phải thủy sản, thịt gia cầm và thực phẩm có “ngậm” hóa chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide. Việc phối trộn các loại hóa chất trên vào thức ăn chăn nuôi thực chất là hành vi gian lận nhằm nâng cao độ đạm mà không hề có tác dụng về mặt dinh dưỡng.

Theo các chuyên gia, sử dụng hóa chất công nghiệp vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm thực vật. Người tiêu dùng ăn vào sẽ gây tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, như gây dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư trong cơ thể tích tụ kim loại nặng vượt mức cho phép.

Theo nghị định số 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi ban hành năm 2013, đối với trường hợp sự dụng chất cấm trong chăn nuôi hoặc trong thức ăn chăn nuôi, hộ chăn nuôi sẽ bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Đối với trang trại thì xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Hành vi sử dụng chất cấm trong gia công, sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử phạt từ 70 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ 1 đến 3 tháng.

Tuy nhiên, quy định hiện hành vẫn chưa tương xứng với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Hành vi này không những gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn có thể có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Việc ngày càng có nhiều người mắc bệnh vì thức ăn khiến gánh nặng bệnh tật ngày càng gia tăng. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét tăng nặng hơn nữa mức phạt, đồng thời xử lý hình sự đối với những hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Nghịch lý chuyện nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Bài viết mới