Trở thành công nhân sau 1 tuần và lo ngại mất việc ở tuổi 35

Trở thành công nhân sau 1 tuần

Trong một phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội đầu kỳ họp này, ông Nguyễn Hoàng Anh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đã kể lại tình hình công nhân lao động Việt Nam tại các nhà máy của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà ông trực tiếp khảo sát.

“Đi thăm các nhà máy của một số nhà đầu tư nước ngoài, tôi thấy rằng, chỉ 1 tuần là anh chị em đã vào làm rồi. Thực ra chỉ có vài thao tác rất đơn giản, đòi hỏi tuổi trẻ, nhanh nhẹn. Trong khi đó, thế hệ chúng ta ở đây đều biết, chỉ công nhân xây dựng thôi cũng phải học 3 năm” – ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Đại biểu Quốc hội này lo lắng về chính sách an sinh xã hội đối với những công nhân đó. Vấn đề giải quyết việc làm sẽ là một thách thức lớn khi công nhân rời doanh nghiệp FDI và trở về quê hương.

“Trong vòng mươi, mười lăm năm nữa, chúng ta sẽ rất khó giải quyết chính sách cho những người công nhân này. Anh em bỏ quê hương ra khu vực công nghiệp, mươi mười năm sau trở về, không biết họ sống bằng nghề gì, trong khi đồng lương của họ cũng chỉ ba cọc ba đồng, có làm thì có ăn, ngừng làm thì cũng không có gì để tích luỹ cả” – ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, phải đưa ra các ràng buộc bên cạnh những ưu đãi đối với nhà đầu tư. Ví dụ như chỉ chấp nhận những nhà đầu tư có chuyển giao công nghệ hay phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu chỉ kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, ngay cả vấn đề lao động cũng không được giải quyết lâu dài.

Báo động tình trạng mất việc sau tuổi 35

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, vấn đề người lao động mất việc sau tuổi 35 đã từng được đưa ra diễn đàn Quốc hội. Nhưng thời điểm đó, nhiều người đã cho rằng đây là lo ngại không có cơ sở.

Tại Hà Nội, 90% trong hơn 10.000 hồ sơ xin nhận trợ cấp một lần từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam là của người lao động trên 35 tuổi. Trên cả nước, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết trợ cấp một lần cho gần 300.000 người lao động, tính đến tháng 5/2018. Số người nhận trợ cấp một lần trung bình hàng năm là khoảng 700.000 người, tương đương số người huy động được tham gia bảo hiểm xã hội mới hàng năm.

Trở thành công nhân sau 1 tuần và lo ngại mất việc ở tuổi 35 - Ảnh 1.

52% người lao động làm việc tại nhóm các doanh nghiệp da giày, dệt may,… phải làm thêm mới đủ sống.

Thông tin từ các công đoàn cơ sở cũng cho thấy, nhiều người lao động làm việc tại các doanh nghiệp may, da giày phải nghỉ việc sau tuổi 35.

Một cuộc khảo sát đã được tiến hành gần đây đã đưa ra nhiều kết quả đáng chú ý: 52% người lao động làm việc tại nhóm các doanh nghiệp da giày, dệt may, thủy sản,… phải làm thêm mới đủ sống; 16% có tích lũy; sau tuổi 35, người lao động khó đáp ứng các điều kiện và yêu cầu công việc và buộc phải xin nghỉ.

Kể lại quá trình khảo sát tại một công ty may có 15.000 công nhân, ông Lê Đình Quảng cho biết, cả công ty chỉ có vài người nghỉ hưu trí. “Đa số người lao động đã không có đủ sức khỏe làm việc cho đến khi về hưu” – đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.

Theo ông Lê Đình Quảng, lương của công nhân thấp, không có tích lũy nên họ phải lấy tiền bảo hiểm đã đóng để giải quyết nhu cầu trước mắt. Nhưng việc này cũng khiến họ không có lương hưu khi về già và lưới an sinh xã hội lại bị ảnh hưởng.

Công nhân dệt may đặt câu hỏi về đảm bảo việc làm thời cách mạng 4.0 và câu trả lời từ Thủ tướng

Bài viết mới