Trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP vào tháng 10/2018

Phản hồi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 sáng 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết hiện nay hồ sơ CPTPP đang được tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp khai mạc tháng 10 năm nay.

Trước đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các FTAs là một trong những giải pháp để xuất khẩu Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (tốt nhất là vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay) để Hiệp định này sớm có hiệu lực với Việt Nam và triển khai ngay công tác chuẩn bị thực hiện các cam kết trong Hiệp định, cả từ phía chính phủ và doanh nghiệp. Đặc biệt là cam kết về thể chế và hàng hóa (thuế quan, quy tắc xuất xứ) để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội của CPTPP ngay khi Hiệp định này có hiệu lực.

VCCI cũng kiến nghị tiếp tục thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU càng sớm càng tốt, đồng thời cố gắng cùng với các đối tác hoàn tất rà soát pháp lý đối với Hiệp định bảo hộ đầu tư để tiến tới ký kết, phê chuẩn.

Cũng tại diễn đàn, nhóm công tác Đầu tư và Thương mại thể hiện sự ủng hộ Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP. Nhóm này bày tỏ tin tưởng hiệp định quan trọng này giữa 11 trong số 12 quốc gia thành viên “TPP” sẽ tạo ra sự tăng trưởng, việc làm và sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững khắp khu vực.

Thể hiện sự đồng tình với quan điểm của VCCI về tận dụng triệt để tận dụng các hiệp định thương mại tự do, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thừa nhận trước đây tỷ lệ tận dụng các FTA thấp nhưng gần đây tăng nhanh, là kết quả nỗ lực của Chính phủ, VCCI, nhưng trên hết là nỗi lực của doanh nghiệp thực sự quan tâm, vào cuộc để tận dụng các ưu đãi FTA đem lại.

Ông Khánh cũng đem đến những thông tin tích cực về quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, đồng thời cho biết hồ sơ về CPTPP đang được tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội phê chuẩn.

Không trông đợi sư thay đổi nghị định 09

Thêm một lần bày tỏ sự thất vọng về nghị định 09, nhóm Đầu tư và thương mại nhấn mạnh nghị định này quy định bất kỳ doanh nghiệp trong nước nào dù chỉ nhận 1% phần trăm vốn góp từ nhà đầu tư nước ngoài đều phải tuân thủ yêu cầu phải xin giấy phép kinh doanh và giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho từng cơ sở bán lẻ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương được quyền quyết định có cho phép hoặc từ chối một cơ sở bán lẻ tiếp tục hoạt động hay không thông qua việc cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Như vậy, toàn bộ hoạt động kinh doanh và sự an toàn của người lao động làm việc tại các cửa hàng này đều bị đặt vào hoàn cảnh rủi ro, nhóm này nhấn mạnh.

Kiến nghị của nhóm là bỏ yêu cầu cấp phép lại đối với những cửa hàng đã và đang tồn tại hoạt động. Có thể xem xét áp dụng việc cấp phép lại chỉ áp dụng với doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn ít nhất 51% vốn điều lệ trong doanh nghiệp. Như là một phần trong nỗ lực bền vững của Chính phủ để cắt giảm thủ tục hành chính, các yêu cầu cấp phép nên được chú trọng giảm thiểu.

Về giấy phép kinh doanh theo nghị định 09, Nhóm công tác Đầu tư và thương mại cho rằng, mặc dù quy định pháp luật có thời hạn cụ thể đối với quy trình lấy ý kiến theo nghị định này, trên thực tế, Bộ Công Thương không tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn này dẫn đến việc quy trình chấp thuận bị trì hoãn.

Theo nhóm công tác, nghị định 09 cũng tăng thêm gánh nặng hành chính lên các doanh nghiệp bằng việc quy định rằng giấy phép kinh doanh không còn là giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ thứ nhất. Như vậy, những doanh nghiệp chỉ mở 1 cơ sở bán lẻ vẫn phải nộp đơn xin cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ, là điều mà họ không phải làm theo Nghị định 23.

Kiến nghị của nhóm là thủ tục lấy ý kiến Bộ Công Thương nên được hạn chế chỉ đối với một số lĩnh vực hoạt động kinh doanh nhạy cảm vì thủ tục lấy ý kiến này dường như là dư thừa theo các cam kết WTO rõ ràng.

Hồi âm những kiến nghị của nhóm, ông Khánh nói đây là vấn đề đã được trao đổi nhiều lần và ông chia sẻ sự thất vọng của Nhóm công tác Đầu tư và thương mại khi chưa có nhiều thay đổi.

Theo Thứ trưởng, nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có sự tự do tuyệt đối, thâm nhập sâu hơn vào thị trường phân phối Việt Nam, trong khi Việt Nam có nhu cầu bảo vệ các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ lẻ trong nước. Ông Khánh khẳng định nhu cầu này là chính đáng và được WTO thừa nhận. Nghị định 09 không trái các cam kết WTO của Việt Nam, kể cả trong các vấn đề kiểm tra kinh tế, nên sẽ không trông đợi có nhiều thay đổi ở nghị định này.

Tuy nhiên ông Khánh nghiêm túc ghi nhận phản ánh của nhóm công tác về thủ tục hành chính và khẳng định sẽ yêu cầu các vụ, cục rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngành hàng chủ lực “tiếp đón” CPTPP như thế nào?

Bài viết mới