Dòng vốn FDI vào trong nước lớn sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho Việt Nam, tuy nhiên cũng sẽ tạo ra sức ép về khả năng cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng nguồn lao động phổ thông với chi phí thấp, nhưng nguồn cung đã qua đào tạo lại không nghiều khiến doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.
Thị trường vẫn đang nghi nhận tình trạng phổ biến là thừa thầy thiếu thợ. Điều này thể hiện qua con số nguồn cung lao động có kỹ năng của khu vực FDI trong giai đoạn 2010 – 2015. Tính chung, tỷ lệ lao động có kỹ năng của Việt Nam rất thấp, chỉ chiếm 21,1% tổng lực lượng lao động vào năm 2015, trong đó 5,8% đã qua đào tại nghề, 6,3% qua đào tạo trung cấp và cao đẳng, và 8,9% qua đào tạo đại học và trên đại học.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào các Hiệp định thương mại Tự do (FTA) mới cũng sẽ thúc đẩy quá trình di cư lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Quá trình tự do hoá di chuyển lao động trong AEC với các nghề có kỹ năng cao sẽ thúc đẩy đổi với các nhân sự trình độ cao của Việt Nam. Nhưng điều này cũng tạo áp lực lên nguồn nhân lực trong nước vì lao động từ các nước AEC có thể đáp ứng tốt hơn những thiếu hụt về nhân lực trong nước.
Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Nhật Bản đang có xu hướng tăng do những điều kiện nới lỏng của thị trường Nhật. Xu hướng này được dự báo tăng cường nhờ triển vọng ký kết CPTPP. Việc tham gia vào FTA với các nước thuộc liên minh kinh tế Á – Âu và hiệp định FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu lao động của Việt Nam sang các nước đối tác này.
Trong khi đó, việc Mỹ rút lui khỏi TPP không tác động nhiều đến thị trường lao động Việt Nam. Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia, CPTPP không tạo được nhiều việc làm so với TPP do mức tăng trưởng của các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày và nông nghiệp bị giảm đi. Tính chung, CPTPP có thể mang lại từ 352 nghìn đến 456 nghìn việc làm (luỹ tiến đến năm 2035) tuỳ vào kịch bản.
Những ngành bị ảnh hưởng là sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, và hầu hết nhóm ngành dịch vụ. Những ngành hưởng lợi lớn về việc làm là dệt may, thương mại, các ngành công nghiệp nhẹ.