Tri ân ngày nhà giáo: Câu chuyện cảm động về cô giáo đầu tiên của tuổi học trò

Nhân dịp này ngày tri ân nhà giáo, bác sĩ Hòa đang công tác tại Bệnh viên Biên Hòa đã lên kế hoạch tìm gặp cô giáo cũ hồi lớp 1 sau hơn 40 năm mất liên lạc được lên nhân dịp đưa bố mẹ về thăm quê hương sau bao năm xa cách:

Sau nhiều năm xa quê công tác và mưu sinh cùng gia đình, hè vừa qua tôi có dịp đưa vợ con cùng bố mẹ về thăm quê hương và tìm lại những người quen cũ. Bố mẹ tôi dạy học ở huyện Nghi Xuân, cách quê nhà mấy chục cây số, tôi và bố mẹ gắn bó cùng mảnh đất này mười mấy năm có lẻ với bao kỷ niệm với đất và người. Chuyến đi này mang nhiều ý nghĩa, trong đó có việc giáo dục các con tôi thế nào là tình xưa nghĩa cũ, thế nào là tri ân những người đã giúp đỡ mình, sống thế nào để khi gặp lại người quen cũ họ vẫn quý mến và trân trọng mình…

Điều bất ngờ và thú vị trong câu chuyện của cô trò này là trò vẫn tìm gặp được cô và cô vẫn nhận ra trò, mặc cho bao thăng trầm của cuộc sống biến đổi một cậu bé ngây thơm, mủm mỉm 6 tuổi thành một bác sĩ dày dạn chững chạc ở tuổi 51. Mặc bao biến đổi liên tục của xã hội, làng quê thân quen đã đổi khác xưa nhiều. Trong tay học trò lại không có manh mối thông tin nào, bố mẹ cũng không còn giữ được liên lạc với ai ở đó, bởi ngày xưa làm gì có phương tiện liên lạc tiện lợi như giờ, bom đạn chiến tranh cũng làm người ta ly tán, lưu lạc muôn phương.

Trên chuyến xe hành trình tìm về chốn xưa đó, là những kỷ niệm tuổi thơ đong đầy nhưng niềm hy vọng lại rất mong manh. Nhưng với sự chân thành, may mắn đã mỉm cười với cả gia đình: Nhờ một cô giáo bất ngờ quay lại sân trường vắng lặng trong hè, đã hỏi thăm lần tìm ra được manh mối của những người quen xưa. Một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ – vui mừng và cảm động đã diễn ra giữa các thế hệ giáo viên – học trò khác nhau: Đồng nghiệp của bố – mẹ, học trò của bố – mẹ; bạn học của con – giáo viên của con…

Cảnh cũ đã thay đổi nhiều sau mấy chục năm, người xưa cũng đã lớn tuổi, kẻ còn người mất, vậy mà chúng tôi vẫn tìm gặp được gần như đủ cả… Đặc biệt là cuộc gặp lại cô giáo cũ hồi lớp Một của tôi. Giờ đây Cô đã là một bà cụ bảy mươi tuổi đẹp lão, phúc hậu, đang ôm trong tay đứa cháu nhỏ. Cô nhận ra tôi ngay và nhắc lại những kỷ niệm xưa. Chả là ngày ấy bố mẹ tôi dạy cho tôi biết mặt bảng chữ cái rồi cho tôi học lớp Một luôn mà không qua lớp Vỡ lòng như các bạn khác… Cô giáo Xuân là người đã dạy dỗ tôi đầu tiên khi tôi bước vào trường. Cô Xuân cũng chính là đồng nghiệp của bố mẹ tôi. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, bao nhiêu kỷ niệm xưa ùa về…

Cô giáo của tôi, tôi, bố mẹ và đồng nghiệp cũ (từ trái qua phải).

Cô giáo của tôi, tôi, bố mẹ và đồng nghiệp cũ (từ trái qua phải).

Cô nói: Ngày mới đến lớp, tôi chưa biết viết, vẽ (vẽ chứ không phải viết) chữ O là hết gần một trang giấy, tôi lại còn vẽ từ bên phải qua thay vì vòng từ bên trái…Cô dỗ dành tôi như con của mình, kiên trì cầm tay cho tôi tập viết, dạy tôi đánh vần, làm toán…Cứ vậy đến hết học kỳ một thì tôi đã có thể tự viết đúng và đẹp dần… Hiện nay tôi đã là một bác sĩ năm mươi tuổi mới có dịp tìm lại cô giáo đầu tiên của mình. Với tình cảm quý mến và biết ơn vô hạn người đã nhiệt tâm dạy dỗ tôi những ngày đầu đi học, tôi đã viết những vần thơ kính tặng Cô để tỏ lòng tri ân của mình với các Thầy cô giáo nói chung và Cô giáo Xuân nói riêng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay…

CÔ GIÁO ĐẦU TIÊN

(Kính tặng cô Xuân, giáo viên lớp Một của con)

Con về quê sau nhiều năm xa cách

Gặp lại Cô giờ đã bảy mươi Xuân

Vẫn nụ cười đôn hậu, dáng ân cần

Như ngày xưa Cô cầm tay con viết

Vào lớp Một con vẫn chưa phân biệt

Chữ O, A…và không thể đánh vần

Trang vở trắng tinh con vẽ vài lần

Hai chữ O là phải sang trang khác

Vào lớp Một con hãy còn ngơ ngác

Vì chưa qua cả Mẫu giáo, Vỡ lòng

Mẹ dạy sơ mấy chữ, gửi Cô xong

Là hồi hộp thầm mong ngày kết quả

Mẹ và Cô không nề hà vất vả

Cầm tay con vẽ từng chữ, từng dòng

Con tô theo bao nét thẳng nét cong

Hết kỳ một là tự con viết đẹp

Biết ơn Cô từ những bài tập chép

Dạy cho con từng nét chữ – nết người

Để giờ đây con vững bước trường đời

Vẫn nhớ mãi người Mẹ hiền – Cô giáo

Chắc hẳn, khi còn ê a tập viết, đánh vần, mỗi cô câu học trò đều có trong lòng một người cha, người mẹ thứ hai. Đó là những giáo viên đã gieo tri thức cho những tháng năm đầu đời. Rồi tuổi thơ cũng qua, chiếc cầu kiều dẫn tới tri thức đã để lại sau lưng, biết bao thế hệ học trò đã lớn lên, rời trường mà chẳng buồn ngoảnh đầu lại. Nhưng những người thầy, người cô vẫn lặng lẽ, âm thầm với sự nghiệp trồng người. Nhưng vẫn có những người thầy cô để lại trong lòng học sinh những bài học, ấn tượng chẳng bao giờ phai mờ. Họ không chỉ cho các em con chữ, tri thức; họ đã để lại cho học sinh cả một di sản với những bước ngoặt của cuộc đời.

Bài viết mới