Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, chúng ta ngập chìm trong việc kết bạn. Những ứng dụng như Facebook hay Twitter giúp chúng ta kết nối được với những người bạn từ thủa nhỏ, đồng nghiệp cũ thậm chí là những người có mối quan hệ lằng nhằng mà chẳng mấy người nhớ nổi.
Ai trên Facebook chẳng có bạn, nhiều người thậm chí có tới là nghìn người bạn trên Facebook và mỗi khi có nội dung nào hấp dẫn là lại nhận được “bão Like”. Thế nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ rằng những người bạn trên mạng xã hội này nếu không có, có ảnh hưởng gì tới bản thân mình hay không? Cụ thể là họ cung cấp được cho chúng ta những kết nối thực tế nào, gắn kết ra sao ngoài đời thực hay chỉ là những phím bấm trên mạng?
Ví dụ điển hình là những khi chúng ta buồn, liệu chia sẻ trên Facebook và nhắn tin cho những người bạn từ lớp 3 trên mạng có giúp bạn đỡ buồn hơn? Hay nỗi buồn chỉ qua đi khi bạn trò chuyện với một người bạn ngoài đời chẳng có mấy gắn kết trên mạng?
Tình bạn là một của cải quý giá, các nhà khoa học cũng chẳng thể nào khẳng định nổi rằng nó diễn ra như thế nào hay thứ gì đã giúp hình thành nên tình bạn. Đôi khi, có những người chúng ta chẳng coi trọng nhưng lại coi chúng ta là tri kỉ, có những người ta coi là tri kỉ lại chẳng coi bản thân chúng ta ra gì.
May mắn thay, một thử nghiệm mới đây đã phần nào làm sáng tỏ được điều đó. Nhóm thử nghiệm đã theo dõi những sinh viên mới vào trường, họ chẳng biết ai xung quanh, một mối liên kết hoàn toàn mới.
Và rồi các dữ liệu bắt đầu được cung cấp, nhóm nghiên cứu hỏi những người này về độ hạnh phúc của họ, thang điểm hướng ngoại cũng như khả năng thấu cảm. Một thời gian sau họ được hỏi về những người bạn mới quen, họ hay đi chơi với ai, hay hỏi ai và hay tìm tới ai khi gặp rắc rối.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu tìm ra rằng, sinh viên mới sẽ ưu tiên chọn những người bạn có chỉ số hạnh phúc cao để dành thời gian đi chơi cùng. Thế nhưng, những người có khả năng thấu cảm cao được ưa chuộng khi chia sẻ, tìm sự trợ giúp. Và cuối cùng, khi rắc rối xảy ra, họ tìm người ở cùng với mình lâu nhất, thường là bạn cùng phòng kí túc xá hoặc người ngồi cùng bàn trên giảng đường. Đây là những người họ tin nhất, những người có gắn kết ở cấp độ cao nhất với họ.
Thống kê này cũng đồng thời chỉ ra những loại người dùng trên mạng xã hội.
Trên mạng, chúng ta thường phô diễn ra cuộc sống của mình một cách hào nhoáng. Ngoài đời có thể không ra gì, nhưng trên mạng lúc nào cũng phải tươi cười hạnh phúc hay đi du lịch hoặc mua những thứ gì đó đắt đỏ. Tưởng chừng là hành động đơn thuần, thế nhưng nó khớp với thống kê bên trên. Chúng ta đang cố tỏ ra mình là người hạnh phúc để được ưa thích hơn, gắn kết nhiều hơn trên mạng xã hội.
Thế nhưng, để tìm những người bạn thân trên mạng xã hội, hãy lọc những người ít hạnh phúc hơn, có khả năng thấu cảm hơn và quan trọng nhất là quan tâm tới người khác. Có những người luôn hỏi han bạn trên mạng xã hội hay tìm cách giúp đỡ bạn? Đó chính là những người có khả năng thấu cảm cao và bạn nên gắn kết nhiều hơn với họ.
Vậy nên, nếu muốn có nhiều người bạn thân trên mạng xã hội chứ không phải chỉ là những người biết bấm Like, hãy lựa chọn những người thấu cảm, quan tâm tới người khác. Nếu như chỉ tập trung kết bạn với những người hạnh phúc và luôn khoe khoang, đôi khi sự hạnh phúc, khoe khoang của họ còn làm ảnh hưởng trực tiếp tới bạn. (Xem hiệu ứng FOMO để biết thêm chi tiết)
Giờ thì đã đến lúc để tự hỏi mình, bạn sử dụng mạng xã hội để làm gì? Là một nơi để khoe hay một nơi để kết nối với những người bạn thật sự? Khi trả lời được câu hỏi này, có lẽ bạn sẽ biết tìm những ai để chơi cùng trên Facebook.