Buôn bán công khai
Đối tượng làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu là các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế. Thậm chí, một công ty kinh doanh lĩnh vực nữ trang cao cấp đặt tại TPHCM còn đăng ký tờ khai nhập khẩu 100 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo của nhà sản xuất Bitmain xuất xứ Trung Quốc, với tổng giá trị ước tính khoảng 129.000 USD.
Cận cảnh dàn máy “trâu cày” Bitcoin
Facebooker Sơn Hoàng (160/13 Lê Thúc Hoạch, Q. Tân Phú) – một trong những người phân phối “trâu cày” lớn tại TPHCM kể, để đưa được “trâu cày” Bitcoin về Việt Nam là cả một hành trình. Máy đa số đều từ Trung Quốc. Trước hết, Sơn sẽ tham gia đấu giá với các nước để đặt máy, ai bỏ giá cao thì trúng (mỗi lô/200 máy). Khi chuyển đủ tiền vào tài khoản của công ty sản xuất, hàng sẽ đi đường biển về cảng Cát Lái. Sau khi làm thủ tục thông quan, máy “đào” Bitcoin sẽ được chuyển về kho để phân phối lại cho khách. Có khi mình nhập về 10 lô, nhưng chỉ “qua” được 8 lô, còn 2 lô bị giữ lại khoảng 1 tháng sau mới cho qua. “Vì máy Bitcoin là hàng không có trong danh mục hàng hóa nhưng không phải hàng cấm nhập, Hải quan giữa lại cũng không nêu lý do cụ thể” – Sơn cho hay.
Theo ghi nhận của thị trường máy tính, với giá khoảng 60-70 triệu đồng hiện nay, thậm chí cao hơn, chưa kể chi phí mua sắm phần mềm và thuê công nhân “đào” tiền. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình của hầu hết các loại máy “đào” được nhập khẩu về Việt Nam chỉ khoảng 8 – 9 tháng, sau đó phải sắm mới lại toàn bộ.
Máy “đào” Bitcoin được nhập về Việt Nam đều được thông quan vì không nằm trong danh mục cấm
Hoạt động liên quan đến tiền ảo ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mua máy, thuê “trâu cày”, mà còn lan sang cả các khóa học về tìm hiểu Bitcoin, cách thức giao dịch đồng tiền này trên các trang quốc tế.
Lúng túng
Cục Hải quan TPHCM thừa nhận, mặt hàng này “chưa được định danh cụ thể” nếu căn cứ vào danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành hải quan dẫn Thông tư số 15/2014 của Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy, mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ này. “Thế nhưng lại không có quy định nào về thủ tục, điều kiện và hình thức quản lý nên không rõ thuộc đối tượng phải có giấy phép nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện” – đại diện Cục Hải quan TPHCM cho hay.
Liên quan tới việc doanh nghiệp xin nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan cho biết, mặt hàng này không liên quan đến việc sử dụng tiền ảo dưới góc độ là phương tiện thanh toán. “Do đó, Ngân hàng Nhà nước không có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu mặt hàng nói trên”, công văn cho biết.
Để sở hữu một dàn máy “đào” Bitcoin, dân chơi có khi phải bỏ ra cả trăm triệu đồng
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM nhấn mạnh: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam”. Theo ông Minh, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ và phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định cụ thể. Ngoài ra việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Theo đó, việc đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018; cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.
Bitcoin đang “sốt xình xịch”