Trầm Bê đã giúp sức cho Phạm Công Danh ra sao?

Theo dự kiến, từ ngày 8-1 đến 9-2-2018, TAND TP HCM sẽ xét xử các bị cáo: Phạm Công Danh (SN 1965; nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng – VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank), Phan Huy Khang (SN 1973, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank), Phan Thành Mai (SN 1971, nguyên Tổng Giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên Giám đốc VNCB Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (SN 1983, nguyên Giám đốc VNCB Lam Giang) cùng 40 đồng phạm khác về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Triệu tập ông Trần Bắc Hà, Trần Quý Thanh…

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) và thẩm phán Huỳnh Thị Việt Tiên cùng 2 thẩm phán dự khuyết, 3 hội thẩm nhân dân, 2 thư ký. Đại diện VKSND TP HCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của VKSND Tối cao gồm ông Trần Ngọc Quang và bà Nguyễn Quỳnh Lan.

Phạm Công Danh (hàng đầu, bên trái) trong phiên xét xử sơ thẩm

Phạm Công Danh (hàng đầu, bên trái) trong phiên xét xử sơ thẩm

Trong vụ án này, đại diện 7 ngân hàng được triệu tập trong vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, gồm: VNCB (nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CBBank), Sacombank, TMCP Tiên Phong (TPBank), TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Tân Phú và Láng Hạ. Ngoài ra, đại diện các công ty: TNHH TM-DV Du lịch Thiên Thanh Long Hải, TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; Quỹ Lộc Việt, Nhà Hưng Thịnh… cùng 33 công ty, doanh nghiệp khác cũng được triệu tập.

Đoàn giám định tư pháp Ngân hàng Nhà nước gồm 8 thành viên cũng được TAND TP HCM triệu tập để tham gia tố tụng.

Đáng chú ý, trong số gần 200 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng được triệu tập có các ông bà: Trần Quý Thanh (Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát), Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank), Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV); Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT CBBank)… cùng 1 vài lãnh đạo TPBank.

Hiện nay, ngoài 26 bị can đã có luật sư, TAND TP HCM đã có công văn gửi Đoàn Luật sư TP đề nghị chỉ định luật sư bảo vệ cho 21 bị can không có luật sư nhưng bị truy tố khung hình phạt đến 20 năm (theo điểm a, khoản 1, điều 76 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015).

Trong vụ án này, ông Phạm Công Danh có 3 luật sư bào chữa là: Phan Trung Hoài, Trương Quốc Hòe, Hà Hải. Hai luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, Phạm Ngọc Trung bào chữa cho ông Trầm Bê; luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho ông Phạm Việt Thép (Giám đốc JSC An Phát); luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi bào chữa cho ông Hoàng Long Hà (nguyên Phó Giám đốc BIDV Gia Định)…

Gây thiệt hại nghiêm trọng

Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng các đồng phạm với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Theo đó, từ năm 2013 đến 2014, ông Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại Sacombank, TPBank, BIDV. Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng cộng 6.127 tỉ đồng (trong đó, Sacombank 1.836 tỉ đồng, TPBank 1.740 tỉ đồng và BIDV 2.251 tỉ đồng).

Toàn bộ số tiền các công ty vay từ 3 ngân hàng được Danh chỉ đạo sử dụng cho mục đích của mình. Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, VNCB thiệt hại 6.127 tỉ đồng.

Trong vụ án này, ông Trầm Bê biết ông Danh cần tiền nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên thống nhất cho ông Danh vay. Ông Trầm Bê đưa ông Danh đến gặp ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank, đang bị tạm giam chung vụ) để trao đổi về việc vay tiền thông qua các công ty của ông Danh.

Sau đó, ông Trầm Bê thống nhất với ông Khang cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng. Từ đó, ông Khang chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập hồ sơ khống, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc cho ông Danh sử dụng tiền vay trái quy định. Ngoài ra, khi cho vay đã tính trước khoản lãi của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB 1.836 tỉ đồng.

Cáo trạng kết luận hành vi của ông Trầm Bê đã giúp sức tích cực cho ông Phạm Công Danh phạm tội, gây thiệt hại nêu trên.

Về việc thu hồi tài sản, do kết luận giám định xác định thiệt hại thuộc VNCB nên trong quá trình điều tra, VKSND Tối cao yêu cầu thu hồi 6.127 tỉ đồng cho VNCB (đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại) để khắc phục hậu quả nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện.

Về vật chứng, Bộ Công an đề nghị phong tỏa 4 tài khoản của Quỹ Lộc Việt mở tại BIDV Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM) với 33 tỉ đồng, phong tỏa 16.000 cổ phần của Quỹ Lộc Việt; kê biên 2 quyền sử dụng đất của ông Trầm Bê tại quận 5 và quận 6, TP HCM.

Tòa cấp cao đã bác đơn kháng cáo

Trước đó, ngày 24-1, TAND Cấp cao tại TP HCM đã bác đơn kháng cáo, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm mà TAND TP tuyên trước đó đối với Phạm Công Danh cùng các đồng phạm. Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Giúp sức trong vụ án này, Phan Thành Mai lãnh 22 năm tù, Mai Hữu Khương 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. Ngoài ra, 32 bị cáo khác nguyên là giám đốc các công ty, nhân viên VNCB bị tuyên phạt từ 3 năm tù (hưởng án treo) đến 9 năm tù giam.

TAND TP HCM còn quyết định khởi tố Phạm Thị Trang (tức Trang “phố núi”, hiện ở đâu không rõ), Hứa Thị Phấn và Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank) cùng nhiều người khác thuộc ngân hàng này.

Tháng 1-2018: Xử Trầm Bê, Phạm Công Danh và Huyền Như

Bài viết mới