sáng 11/6, trả lời PV Tiền Phong liên quan tới đề xuất lại đặt tên “trạm thu phí” thay vì đặt tên “trạm thu giá BOT” đang bị phản đối, Thứ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật nói: “Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng đã có ý kiến rồi thì cứ thế đổi lại trạm thu phí, không cần phải đợi lấy ý kiến các bộ ngành rồi mới báo cáo Thủ tướng quyết định nữa”. Tuy vậy, ông Nhật nói: ông chưa xem báo cáo của Tổng cục Đường bộ, đợi xem chi tiết rồi sẽ quyết định. Theo ông, việc này cũng đơn giản, không cần phải làm phức tạp thêm.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, sau phần trả lời của ông Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Không việc gì phải nghiên cứu hay trình gì nữa, cứ đưa về tên cũ trạm thu phí là ổn”.
Như Tiền Phong đã đưa tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ GTVT đề nghị cho đổi tên “trạm thu giá” quay về tên cũ là “trạm thu phí”. Theo Tổng cục Đường bộ, đây mới là báo cáo ban đầu, để việc trả lại tên cũ là “trạm thu phí” được thực hiện, theo quy trình, Bộ GTVT phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, sau đó báo cáo Thủ tướng quyết định.
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nói rằng, nếu theo Luật Giá, Bộ GTVT có thể đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ”, sẽ không bị kêu ca.
Tuy nhiên, Bộ GTVT lại sử dụng cụm từ không có nghĩa là “trạm thu giá”, cộng với việc giải thích lòng vòng, khiến tình hình trở nên phức tạp. Giờ đổi tên “trạm thu giá” sang “trạm thu phí”, đơn vị này nói phải đợi lấy ý kiến các nơi, rồi báo cáo Thủ tướng quyết định vì sợ trách nhiệm; phòng sau này nếu ai có ý kiến, sẽ dễ dàng nói là “đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, được đồng ý rồi mới đổi, không phải Bộ GTVT tự ý đổi”.
Theo ông Đức, việc đổi tên thành “trạm thu giá” đã gây lãng phí, tốn kém cả về mặt tiền bạc lẫn thời gian của xã hội, như việc công văn, giấy tờ qua lại, sơn sửa biển báo… Đặc biệt, việc đổi tên đã gây phản cảm, phản ứng của xã hội.
“Vì vậy, trách nhiệm đương nhiên phải có và trước tiên, trách nhiệm chính thuộc về Tổng cục Đường bộ. Cục này tham mưu cho lãnh đạo bộ chưa đúng. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm không dễ, vì lỗi xảy ra theo dây chuyền, giờ quy cho ai, trách nhiệm thế nào cũng khó”, ông Đức nói.
Từ câu chuyện “trạm thu giá”, chuyên gia JICA cho rằng, đó là biểu hiện của các cơ quan nhà nước không làm tròn trách nhiệm và tư duy máy móc. Cấp dưới chỉ làm khi có ý kiến của cấp trên, còn cấp trên chỉ ký khi có trình ký của cấp dưới, để xảy ra chuyện không ai chịu trách nhiệm.
“Hành chính máy móc vậy nên mất thời giờ. Lúc có chuyện, mọi thứ đều đúng quy trình. Như câu chuyện “trạm thu giá”, ai cũng biết nó không hợp lý rồi, nhưng không ai dám sửa ngay”, ông Đức nói.