TPP-11: Vì sao thỏa thuận nguyên tắc suýt đổ vỡ phút 89 bởi Canada?

Tại buổi họp báo kết quả Hội nghị Tổng kết Quan chức Cao cấp (CSOM) chiều 7/11, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 có câu trả lời không quá hào hứng khi được hỏi về triển vọng của TPP-11.

Ông Sơn nói: “Trong khuôn khổ hợp tác APEC, có nhiều kênh khác nhau để đưa tới tăng cường liên kết và hợp tác, trong đó TPP cũng chỉ là 1 kênh. Ngoài TPP còn có nhiều khu vực mậu dịch tự do sâu và rộng”.

Cho tới tận buổi họp báo kết thúc Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC (AMM) chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời nhiều câu hỏi về tương lai TPP. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cho biết, đó là nội dung không chính thức trong khuôn khổ APEC và “các nước đang tiếp tục nỗ lực để duy trì TPP như một hiệp định có chất lượng cao”.

Thế nhưng, Bộ trưởng Công Thương lại cho biết một thông tin khác: Hội nghị chưa thông qua được Kế hoạch Lima về Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) vì cần thêm thời gian thảo luận và làm rõ các nội dung, chương trình ưu tiên của từng nền kinh tế thành viên.

Trước đó, trong một phát biểu khi tới Hà Nội, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố: “Canada sẽ không vội ký thỏa thuận TPP nếu không có lợi cho Canada”. Tuyên bố này của ông Trudeau cũng phản ánh một thực tế, các nước lớn dù không muốn đứng ngoài cuộc chơi TPP nhưng vẫn giữ một khoảng cách để không dẫn tới việc bị coi là “hớ” và gặp phản đối từ nhóm những người dễ bị tổn thương ở quốc gia mình vì tự do hóa thương mại và đầu tư.

Chiều 9/11, trong phiên thảo luận tại CEO Summit, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng nhận định, ngay cả ở những nước giàu, nhiều người cũng là nạn nhân của toàn cầu hóa và “đây là thực tế đang diễn ra trên thế giới”. Phát biểu của vị Tổng thống này cũng cho thấy mối lo ngại có thực về việc các nước giàu thuộc TPP-11 (mà Canada là một ví dụ) cũng có những mối lo ngại như Mỹ.

Tất cả những động thái cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa với TPP – một nội dung không chính thức trong chương trình nghị sự của APEC 2017.

Trong số 11 thành viên còn lại (TPP-11), dù rất mong muốn duy trì nhưng Việt Nam vẫn phải cân nhắc về những điều có thể gây tổn hại đến sản xuất trong nước như nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn-forward) trong ngành dệt may và dự kiến rút khỏi hệ thống bảo vệ nhà đầu tư gây tranh cãi của New Zealand (chính phủ mới)…

Trên thực tế, dù có nhiều cản trở thì những tín hiệu tích cực vẫn le lói. Trong số các thành viên, Nhật Bản là quốc gia thể hiện sự năng nổ nhất. Mexico cũng muốn tham gia TPP-11 để có thêm vị thế với chính quyền Trump trong việc thương lượng lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ.

Và một vấn đề cực kỳ quan trọng nữa cho việc phải có một điều gì đó để duy trì TPP-11 tại APEC 2017: Thời gian. Các nhà đàm phán biết rõ rằng nếu kéo dài hơn nữa, họ sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn. Vì vậy, cuộc họp ở Đà Nẵng tại CEO Summit 2017 dù chỉ là một nội dung không chính thức của APEC, nhưng lại rất quan trọng với các nhà đàm phán TPP.

“Nếu không thực sự nhất trí được điều gì ở Đà Nẵng thì tôi nghĩ 11 quốc gia có thể tạm biệt luôn hiệp định này”, Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á, một học giả cao cấp tại Bộ Thương mại Singapore nói với Financial Times vào tuần trước.

Tối muộn hôm qua (9/11), khi một số thành viên cấp Bộ trưởng của các quốc gia TPP tiết lộ về một thỏa thuận nguyên tắc thì đại diện Canada – Bộ trưởng Thương mại François-P Champagne vẫn viết trên Twitter: “Dù có các tin tức TPP-11 đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc, thực tế là chưa có thỏa thuận nào”.

TPP -11 không còn Mỹ nên việc đàm phán lại trở nên cực kỳ phức tạp.

TPP -11 không còn Mỹ nên việc đàm phán lại trở nên cực kỳ phức tạp.

Thực tế là Bộ Công Thương Việt Nam cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào sau cuộc họp tối 9/11 về việc thỏa thuận nguyên tắc thành công hay bình luận gì về triển vọng của TPP-11. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc họp báo ngày 10/11 nhưng hiện giờ vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện và chưa thể nói chính xác”, một đại diện của Bộ Công Thương nói với báo Trí thức trẻ sau cuộc họp cấp Bộ trưởng.

Tối 9/11, khi bước khỏi phòng họp TPP, Bộ trưởng Mexico đã cười rất tươi và nói về triển vọng của một thỏa thuận nguyên tắc cho TPP-11, nhưng cuối giờ chiều nay, nụ cười đó “đã tắt”. Trong buổi họp báo vừa diễn ra, Thủ tướng Newzeland – Jacinda Ardern công bố việc Canada không tham dự (Thủ tướng Justin Trudeau vắng mặt), đàm phán TPP bị hoãn

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: TPP sau khi không có Mỹ sẽ hoàn toàn khác bởi nhiều quốc gia trước đây đồng ý một số cam kết với chuẩn mực rất cao vì có lợi ích từ thị trường Mỹ. Hiện nay, khi Mỹ đã rút khỏi TPP thì các thỏa thuận cần được tính lại. Hơn nữa, bối cảnh thương mại toàn cầu và khu vực đang có những thay đổi lớn. Đây là lý do việc đàm phán lại trở nên cực kỳ phức tạp.

“Việc Canada hoãn đàm phán TPP cũng bởi họ phải cân nhắc các cam kết trước đây có còn cần thiết nữa không”, bà Phạm Chi Lan nhận định.

Và có một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trong bài phát biểu tại APEC CEO Summit diễn ra chiều nay (10/11), Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Tôi luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trước tiên, cũng như tôn trọng việc tất cả mọi người trong căn phòng này đều đặt đất nước của mình lên trước tiên”. Phát biểu này cũng có điều tương tự với phát biểu của Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào hôm qua (9/11): “Canada sẽ không vội ký thỏa thuận TPP nếu không có lợi cho Canada”. Ông Trudeau đã làm như điều mình nói.

Toàn cầu hóa, di cư và siêu quyền lực của các tập đoàn đa quốc gia

Hoàng Ly – Chu Lan Anh

7pm

Theo Trí Thức Trẻ10/11/2017

Bài viết mới