11 nước thành viên còn lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thu hẹp được những quy định cần được gác lại trong thỏa thuận ban đầu – một bước tiến quan trọng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh có ý nghĩa then chốt tại Việt Nam vào tuần tới.
“Chúng tôi đã có thể thúc đẩy cuộc thảo luận về những quy định cần được gác lại”, báo Nikkei dẫn lời ông Kuzuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật, phát biểu trước báo giới ngày 1/11 sau 3 ngày đàm phán ở Urayasu, thành phố gần Tokyo.
Nước Mỹ đã đạt được nhiều nhượng bộ của các quốc gia khác trong thỏa thuận TPP ban đầu, nhưng sau đó Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định này. Các quốc gia còn lại trong TPP, hay còn gọi là “TPP 11”, đã nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận vào tháng 11/2017, nhưng trước hết các nước cần quyết định những phần nào của thỏa thuận cần phải được gác lại cho tới khi Mỹ quay trở lại.
Trước cuộc gặp ở Urayasu, các bên vẫn cho rằng cần phải đình chỉ các điều khoản thuộc 50 phần của thỏa thuận, bao trùm 3 lĩnh vực là các vấn đề luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, và các vấn đề khác. Ông Umemoto không tiết lộ các nhà đàm phán đã nhất trí dừng bao nhiêu điều khoản, nhưng cho biết các bên “đã đạt sự đồng thuận” về đóng băng một số điều khoản nhất định. Trưởng đoàn đàm phán Nhật về TPP cũng nói các quốc gia đã rút lại một số yêu cầu về các điều khoản cần gác lại.
Bộ trưởng thương mại các nước TPP 11 sẽ tiếp tục đàm phán tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam vào tuần tới. Sau đó, trong một cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC, lãnh đạo 11 nước sẽ quyết định có đạt một thỏa thuận về TPP hay không.
Những bất đồng chính về TPP hiện nay được cho là vẫn xoay quanh các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với chính phủ – điều khoản cho phép nhà đầu tư nước ngoài kiện một nước thành viên TPP bị cho là vi phạm các quy định về đầu tư – cùng với các vấn đề về lao động và môi trường.
Không giống với những thỏa thuận tự do thương mại trước đây, TPP được đánh giá cao vì bao gồm các điều khoản bảo vệ người lao động và bảo vệ môi trường. Việc gác lại những điều khoản này có thể đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận.
Đến nay, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ vai trò điều phối các cuộc đàm phán TPP 11. Tokyo dự định sẽ tiếp tục nắm vai trò này trong cuộc đàm phán cấp bộ trưởng ở Việt Nam. Nhật Bản sẽ sắp xếp các cuộc thảo luận song phương giữa các nước thành viên nhằm giải quyết bất đồng và bảo vệ các tiêu chuẩn cao của TPP.
“Đưa TPP 11 vào thực thi sẽ không chỉ mang lại cho chúng ta một hệ thống thương mại cởi mở và tự do xuyên Thái Bình Dương, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ để Mỹ quay lại với thỏa thuận”, ông Umemoto nói.
Tuy nhiên, ông Umemoto nhấn mạnh rằng hiện chưa có điều gì là chắc chắn. “Cho tới khi chúng ta có được thỏa thuận cuối cùng, bất kỳ thỏa thuận tạm thời nào cũng không có ý nghĩa gì”, ông nói. “Chúng ta không thể tự cho phép mình lơ là”.