TPHCM: Thông báo khẩn về việc lừa mua bán bất động sản tại huyện Hóc Môn

Theo đó, UBND huyện Hóc Môn cho biết, hiện nay có tình trạng “cò đất” sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng của mình. Theo UBND huyện Hóc Môn, đó không phải là một thuật ngữ pháp lý. Đây là một cách dùng từ sai và tùy tiện của “cò đất” nhằm mục đích thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản mà họ tham gia.

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng chỉ có giá trị khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định. Như vậy, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch (đặc biệt là bên mua).

UBND huyện Hóc Môn đề nghị người dân có nhu cầu giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính về bất động sản trên địa bàn huyện cần liên hệ UBND xã – thị trấn nơi có bất động sản cần giao dịch hoặc UBND huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện) để tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện đúng quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai tránh tình trạng bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp sau này.

Không chỉ riêng UBND huyện Hóc Môn mới đây, tại cuộc họp đánh giá về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM, nhiều địa phương bày tỏ lo lắng về tình trạng nhà, đất ba chung: chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà.

Được biết, tình trạng nhà ba chung không phải đến bây giờ mới nở rộ. Mà từ năm 2014, tình trạng hàng trăm hộ dân đã tham gia mua bán, chuyển nhượng và dọn đến sinh sống bất hợp pháp trong các căn nhà “ba chung” (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà) trên địa bàn xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) cũng đã nhiều lần được phản ánh.

Đến nay, tình trạng này ngày càng phổ biến, nhiều người dù biết rủi ro những vẫn nhắm mắt mua liều bời những căn nhà này có giá cả phù hợp với khả năng của nhiều người lao động chỉ từ trên dưới 1 tỷ đồng. Hầu hết những người mua nhà ba chung đều biết rủi ro nhưng họ vẫn hy vọng đến lúc nào đó Nhà nước sẽ có chính sách cho họ được cấp giấy. Thực tế luật cũng đã nhiều lần “mở ra” nên họ dễ có niềm tin này.

Quan sát trên thị trường cho thấy, hiện nay tình trạng đầu nậu, “cò” đất rao bán hàng trăm nền đất, nhà “ba chung” bằng các loại giấy giấy tờ không có giá trị pháp lý. Thường những căn nhà ba chung sẽ có chung một giấy chủ quyền, chung một giấy phép xây dựng và chung một số nhà; bởi vì diện tích nhỏ nên tách riêng ra sẽ không đủ tiêu chuẩn theo quy định, việc xây dựng này là “lách luật”.

Chính vì thế mỗi lô đất, căn nhà được mua bán trao tay chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, quyết định cấp số nhà và bản vi bằng của Văn phòng thừa phát lại chứng thực việc giao nhận tiền giữa các bên. Ngoài vi bằng là bản chính, còn lại đều là bản photocopy. Bản góc về giấy chủ quyền, sổ chung toàn khu đất sẽ do chủ đất giữ. Nhiều người dân không hiểu biết pháp luật, tin vào lời giới thiệu của cò nhà đất, vẫn mua bán, sang nhượng nhau bằng giấy tay nên cơ quan chức năng khó có thể biết và ngăn chặn được.

Bài viết mới