TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống metro kiểu “vừa làm, vừa chạy, vừa xếp hàng”

Thời gian qua UBND TP.HCM đã ba lần bỏ tiền ngân sách ra ứng cho các nhà thầu đang thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cũng mới được thành phố xin gia hạn thực hiện đến năm 2020.

Tuy vậy, vừa qua TP tiếp tục đề xuất xây tuyến metro 3a (Bến Thành – Tân Kiên) với giá trị khoảng 2,2 tỷ USD.

Việc đề xuất các dự án mới trong khi các dự án cũ vẫn đang phải tìm mọi cách “xoay vốn” khiến nhiều người lo ngại. Trong buổi họp báo ngày 30/11, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đã giải thích về vấn đề này.

“Phải vừa làm vừa chạy”

Theo ông Võ Văn Hoan, để có hiệu quả, metro phải phát triển thành hệ thống chứ không thể chỉ có một tuyến. Không phải chỉ với metro, điều này cũng đúng trong giao thông nói chung.

“Phải được bao quát toàn bộ địa bàn và gắn liền với các cực tăng trưởng của thành phố. Như vậy quy hoạch phát triển metro giống như mạng nhện, trong đó Bến Thành là trung tâm và lan tỏa ra ít nhất ba hướng là Suối Tiên, Bình Chánh và Bảy Hiền” – ông nói.

Ông cũng cho rằng khi đầu tư metro phải nghiên cứu kỹ lưỡng, chọn kỹ thuật tương thích và nguồn vốn phải lớn, bởi “mỗi tuyến phải vài tỉ USD chứ vài ngàn tỷ đồng là làm không được”.

“Đặc biệt, để thông qua dự án phải trải qua quá trình hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Như vậy, để thực hiện một tuyến metro ta cần ít nhất 10 năm. Do đó nếu làm xong tuyến này mới đến tuyến kia thì có lẽ chúng ta phải mất tới 80 năm” – ông Hoan cho hay.

Do đó, quan điểm của thành phố là “vừa làm vừa chạy”, và việc sắp xếp vốn như thế nào thì “thành phố sẽ cùng các cơ quan trung ương bố trí”.

“Thành phố sẽ nhờ Chính phủ vay vốn nước ngoài, sau đó sẽ vay lại của Chính phủ để thực hiện dự án. Thành phố sẽ bằng nhiều cách để thanh toán lại với tinh thần không để Trung ương gặp khó” – Chánh văn phòng UBND TP cam kết.

Trong khi đó, cùng trả lời về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho rằng đây là “câu hỏi lớn liên quan đến cân đối nguồn vốn trung hạn của cả nước”.

“Phải có đánh giá tổng thể, chúng tôi sẽ cùng với sở KH&ĐT, ban quản lý Đường sắt đô thị bàn bạc và sẽ có báo cáo trình thành phố để tìm lộ trình cho phù hợp” – ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, vốn của những dự án này chủ yếu từ nguồn vốn ODA. Tuy nhiên ông cũng nhận định rằng “hiện nay vốn ODA rất khó vì đã thoát nghèo rồi”.

Đã gỡ khó cho tuyến metro số 1

Tại cuộc họp này, ông Võ Văn Hoan cũng báo một tin vui về tuyến metro số 1, đó là đã “gỡ khó” được những vướng mắc về vốn.

“Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ phải đưa vào kế hoạch vốn trung hạn để giải ngân cho thành phố. Phần ngân sách thành phố đã ứng Trung ương sẽ trả lại cho chúng ta” – ông Hoan thông tin.

Riêng với tuyến số 2, ông Hoan cho biết thành phố đang điều chỉnh, dự kiến năm 2018 sẽ tổ chức đấu thầu.

Trong khi đó tuyến 3a đã xong khâu chuẩn bị dự án và sắp trình Quốc hội cho ý kiến. Trên nền đó, thành phố sẽ tiến hành (về chủ trương) việc nghiên cứu, thiết kế, đề xuất… dự kiến đầu năm 2019 mới khởi công và hoàn thành vào năm 2023.

“Dự kiến đến năm 2025 các dự án cũng hoàn thành kha khá, và nếu làm được như vậy mới hình thành các tuyến metro. Không phải vì thiếu vốn mà chúng ta dừng lại mà phải vừa làm, vừa chạy, vừa xếp hàng” – ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Theo ban quản lý Đường sắt đô thị thành phố. Tuyến 3a sẽ bắt đầu từ Bến Thành và đi theo đường Phạm Ngũ Lão – Ngã 6 Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – Depot Tân Kiên – ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh).

Tuyến có tổng chiều dài khoảng 19,58 km. Hiện dự án tuyến metro số 3a đã được UBND thành phố đăng ký tại danh mục các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016 – 2018.

Trách nhiệm Bộ Tài chính đến đâu khi chậm giải ngân vốn cho tuyến metro 1?

Bài viết mới