TP.HCM mời gọi đầu tư 9 dự án cải tạo, di dời nhà ở ven kênh rạch

TP.HCM tham vọng biến vùng đất ven kênh rạch thành dự án BĐS có giá trị sinh lời cao

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh, một trong những khó khăn lớn nhất hiện vẫn là nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhu cầu vốn khoảng 25.745 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách TP.HCM chỉ có 2.508 tỉ đồng, cần phải huy động hơn 23.000 tỉ đồng nữa mới đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đại diện JICA cho rằng tổ chức này sẽ tập trung vốn cho khu vực tư nhân để thực hiện dự án cải tạo kênh rạch. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cam kết sẽ đồng hành với chính quyền TP.HCM trong chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch.

Danh mục dự án TP.HCM vừa đưa ra mời gọi các nhà đầu tư gồm:

Dự án di dời và tái định cư các hộ dân trên và ven bờ Nam kênh Đôi, Quận 8;

Dự án nạo vét cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven Rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh , Quận Gò Vấp;

Dự án cải tạo và chỉnh trang nhà ven và trên Rạch Văn Thánh;

Dự án chỉnh trang Rạch Cầu Dừa, Quận 4;

Dự án cải tạo cảnh quan Hồ Song Tân, Quận 7;

Dự án chỉnh trang Rạch Bần Đôn, Quận 7;

Dự án chỉnh trang Kênh Tẻ đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Quận 7;

Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ- Bến Nghé – Đôi – Tẻ, giai đoạn 3;

Mười quy hoạch phân khu dọc sông Sài Gòn, huyện Củ Chi.

Trong đó có dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được TP.HCM giao cho Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm nghiên cứu khả thi để báo cáo TP.HCM xem xét. Ông Phạm Huy Thưởng, Tổng Giám đốc công ty này, cho biết sau 6 năm nghiên cứu, hiện đã có báo cáo khả thi và sẽ trình TP.HCM trong tháng 2 tới. Được biết, công ty này cũng đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho vay 70% vốn để thực hiện dự án.

Theo đại diện công ty này, dự án này thực hiện theo phương thức khai thác quỹ đất tại dự án mà TP.HCM không phải bỏ tiền ngân sách. Nếu đủ điều kiện khởi công trong năm 2018 thì chúng tôi dự định hoàn thành trong năm 2023.

Theo tìm hiểu, không chỉ có một số doanh nghiệp địa ốc lớn trong nước như Vingroup, Novaland, Đất Xanh… đag “nhòm ngó” đến chương trình này để tham gia đầu tư, nhiều tập đoàn nước ngoài như Capitaland, Dragon Capital… cũng đang muốn cạnh tranh.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đã có đề xuất phương án di dời và tái đầu tư dự án BĐS tại Kênh Đôi, quận 8 sau khi thực hiện xong kế hoạch giải phóng nhà ven kênh tại đây.

Theo đó, doanh nghiệp này sẽ tự sắp xếp vốn thực hiện dự án theo hình thức PPP cho toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các hộ có nhu cầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tự lo nơi ở mới, sắp xếp nguồn vốn mua quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội có sẵn tại quận 8 cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.

Ngược lại, phương thức hoàn vốn được nhà đầu tư đưa ra bằng cách xác định giá trị quỹ đất của dự án sau khi di dời theo cơ chế giá thị trường để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Trường hợp quỹ đất tại dự án sau di dời chưa đủ giá trị để hoàn vốn cho nhà đầu tư thì thành phố sẽ giao một số khu đất khác để thanh toán cho nhà đầu tư hoặc bù một phần từ nguồn ngân sách thành phố.

Nhà đầu tư dự kiến với phương án có khoảng lùi 20m từ mép kênh kết hợp đầu tư chỉnh trang đô thị thì sẽ cần tổng vốn đầu tư là 9.232 tỉ đồng; còn phương án có khoảng lùi 30 mét thì vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.367 tỉ đồng.

Bài viết mới