Tại buổi họp báo, ông Sử Ngọc Anh – Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cho biết cách đây khoảng 20 năm, TP HCM đã thực hiện thành công một dự án theo hình thức BOT là đường Trường Sơn dài 1km.
Sau đó, TP tiếp tục huy động nguồn lực trong dân theo hình thức xã hội hóa để làm một số đoạn đường khác; cũng như TP có chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để huy động các nguồn vốn từ xã hội thực hiện các công trình.
Sở dĩ có thực tế này là vì để phát triển TP, ngoài nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, TP phải tìm kiếm, suy nghĩ và khai thác nguồn lực khác, trong đó có nguồn lực từ đất đai, nguồn lực từ người dân.
Ông Sử Ngọc Anh cho biết, theo báo cáo của các ngành, tính đến thời điểm trước năm 2015, TP có 18 dự án với số vốn huy động trên 59.000 tỷ đồng và hiện nay có 130 nhà đầu tư đang đề xuất và kiến nghị được tham gia đầu tư các dự án với số vốn đăng ký khoảng trên 380.000 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tư nhân muốn chia sẻ với những khó khăn trong vấn đề triển khai các dự án hạ tầng, xử lý môi trường, y tế, giáo dục… trên địa bàn TP. Vì vậy, TPHCM trân trọng và đánh giá cao các nhà đầu tư đã chia sẻ những khó khăn với TP trong việc thực hiện các dự án.
Cầu Phú Mỹ đầu tư theo hình thức BOT.
Liên quan đến vấn đề luật pháp trong triển khai các dự án BT, BOT, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh thông tin: Trước đây, theo quy định chỉ có hai hình thức đầu tư là BT và BOT; cách đây 2 năm, Chính phủ đã đúc kết quá trình thực hiện của cả nước, cũng như thực tế và ban hành Nghị định 15/2015/NĐ – CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Theo đó, trong Nghị định 15 không còn bó gọn ở một, hai hình thức đầu tư như trước đây mà đã mở rộng lên 7 hình thức đầu tư là BT (xây dựng – chuyển giao), BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh), BTO (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh), BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ), BLT (xây dựng – thuê dịch vụ – chuyển giao), hợp đồng O&M (hợp đồng kinh doanh – quản lý)…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh phân tích, sắp tới, với hình thức đối tác công tư PPP là một xu hướng đáng khuyến khích và TP HCM sẽ triển khai áp dụng theo những quy định của luật pháp hiện hành.
Đồng thời từ những quy định của luật pháp, TP sẽ ban hành những quy định riêng, cụ thể hóa các bước, đặc biệt nêu rõ vai trò của từng bộ phận (đề xuất, thẩm định, theo dõi ký hợp đồng) để phân định rõ trách nhiệm. Đây là quy định rõ ràng, minh bạch, rõ quy trình để các nhà đầu tư an tâm đầu tư.