Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín 2018

Uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực và hiệu quả tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn… ); Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty bảo hiểm trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Điều tra khảo sát về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm/dịch vụ bảo hiểm; Khảo sát nhóm chuyên gia tài chính về vị thế và uy tín của các công ty bảo hiểm trong ngành; và Điều tra khảo sát về tình hình của các công ty bảo hiểm được thực hiện trong tháng 5/2018 về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm…

Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín 2018 - Ảnh 1.

Điểm quy đổi của Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2018

Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín 2018 - Ảnh 2.

Điểm quy đổi của Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2018

Năm 2017, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng vững chắc, tổng doanh thu ngành tăng mạnh, ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng 21,2%; trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ được đánh giá tăng trưởng cao với tổng doanh thu ước đạt 65.050 tỷ đồng, tăng 28,9% và lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu ước đạt 40.561 tỷ đồng.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp của Vietnam Report tháng 5/2018, tổng doanh thu và doanh thu phí bảo hiểm quý I/2018 của 100% doanh nghiệp phản hồi đều tăng so với cùng kì năm trước. Các doanh nghiệp trong khối nhân thọ đánh giá doanh thu từ phí bảo hiểm quý 1 năm nay của doanh nghiệp tăng trung bình 159% và của khối phi nhân thọ tăng trung bình khoảng 24%. Nhân tố đóng góp cho sự tăng trưởng ngành bảo hiểm trong giai đoạn 2017 – 2018 được nhận định là nhờ sự những yếu tố tích cực của nền kinh tế, các điều kiện thuận lợi về dân số, xã hội và nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc mở rộng quy mô hoạt động và chú trọng nâng cao năng lực tài chính. Bên cạnh đó, sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp bảo hiểm gia tăng nhanh cũng đem đến nhiều thuận lợi cho thị trường bảo hiểm trong giai đoạn hiện tại.

Ngành bảo hiểm là ngành được đánh giá với mức độ tập trung cao: Top 5 doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm nhân thọ chiếm 80% thị phần và Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành phi nhân thọ chiếm 60% thị phần. Để chiếm chỗ trong miếng bánh thị phần cũng như cạnh tranh nắm giữ vị trí tốp đầu, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng lớn. Nói về chiến lược năm 2018, đại điện các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, đổi mới, nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong hệ thống quản lý, phục vụ khách hàng là ưu tiên hàng đầu (chiếm 100% phản hồi); kế tiếp là đổi mới, nghiên cứu các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của thị trường (82,4% phản hồi) và đa dạng hóa các kênh bán bảo hiểm (76,5%).

Bước chân vào cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp bảo hiểm ý thức được việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một bàn đạp cho tăng trưởng. 82,4% doanh nghiệp bảo hiểm cho biết đang xây dựng chiến lược phát triển Internet di động, 64,7% doanh nghiệp xây dựng chiến lược trên hai yếu tố then chốt của CMCN 4.0 là Vạn vật kết nối (IoT – Internet of things) và Dữ liệu lớn (Big Data). Hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như Bảo Việt, PTI, MIC, BIC… đã áp dụng quản lý bồi thường qua các thiết bị công nghệ số hay các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như Prudential, Aviva có sự hỗ trợ lớn từ công ty mẹ là các tập đoàn toàn cầu đã đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo với các chatbot nhằm hỗ trợ việc kinh doanh.

Phát triển sản phẩm mới cũng là một trong những định hướng tập trung của doanh nghiệp ngành bảo hiểm trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, người dân trở nên quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe và bảo vệ quyền lợi bản thân thì việc nghiên cứu các sản phẩm mới, phục vụ đúng nhu cầu, đúng đối tượng khách hàng là vô cùng bức thiết. Trong khảo sát người dùng bảo hiểm của Vietnam Report, đa số (63.6% người phản hồi) đều thống nhất việc công ty liên tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau là yếu tố quyết định uy tín của công ty bảo hiểm trên truyền thông. Năm 2017, đã có nhiều sản phẩm mới được ra đời, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, được cả hai khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ chú trọng khai thác.

Ngoài ra, một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang đẩy mạnh là gia tăng độ phủ trên thị trường, không ngừng mở rộng mạng lưới. Không chỉ phát triển mạng lưới thông qua thành lập các chi nhánh, văn phòng; các doanh nghiệp còn nhanh nhạy đẩy mạnh các kênh phân phối mới như bancassurance (kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng), bán hàng trực tuyến, mạng xã hội… và mở rộng hợp tác bán chéo sản phẩm với các đối tác như hiệp hội, các công ty fintech, các công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Những tin tức về sự hợp tác giữa công ty bảo hiểm và các đối tác (chủ yếu là giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng) đứng đầu trong top 10 chủ đề trên truyền thông giai đoạn 2017-2018. Có thể kể đến một số thương vụ lớn trên thị trường giai đoạn qua như hợp tác chiến lược giữa Manulife và Techcombank, Aviva Việt Nam bắt tay với Vietinbank hay thỏa thuận độc quyền 15 năm giữa AIA và VPBank… Kênh bancassurance tại Việt Nam trong hai năm qua đã có những chuyển biến vượt bậc, trở thành kênh phân phối quan trọng thứ hai trong thị trường bảo hiểm, sau kênh đại lý truyền thống.

Bên cạnh đó, việc bắt tay với các công ty fintech (các tổ chức áp dụng công nghệ vào tất cả các hoạt động tài chính nhằm mang tới cho khách hàng các sản phẩm tài chính dựa trên công nghệ) cũng là một những yếu tố mới của thị trường bảo hiểm. 78,9% doanh nghiệp bảo hiểm phản hồi cho biết có kế hoạch mở rộng hợp tác với các công ty fintech, với dự định liên kết phát triển kênh phân phối, hợp tác về dịch vụ bảo hiểm trên internet và trong lĩnh vực thanh toán.

Đặt lên bàn cân “tính linh hoạt” của các dòng sản phẩm bảo hiểm

Bài viết mới