Tổng tài sản của Techcombank tăng gần 23% trong năm 2022 lên 699 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%

TCB: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9

Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

TIN MỚI

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán TCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022.

Theo đó, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt 40,9 nghìn tỷ đồng trong năm qua, tăng 10,3% so với năm 2021 với thu nhập từ lãi và dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) đều tăng trưởng mạnh.

Thu nhập từ lãi đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) được quản lý ở mức 5,1%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,7 nghìn tỷ, trong đó riêng thu phí từ dịch vụ thẻ đạt hơn 1.980 tỷ đồng, tăng 83,5% so với năm trước; thu từ dịch vụ bảo hiểm tăng 12,3% đạt hơn 1.750 tỷ đồng; thu từ thư tín dụng tăng 154% đạt hơn 2.016 tỷ.

Chi phí hoạt động của Techcombank trong năm 2022 tăng 19,9% so với cùng kỳ, đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 32,8%. Ngân hàng lý giải, chi phí đầu tư trực tiếp liên quan công nghê, bao gồm chi phí cho cả ba khối Số hóa, Dữ liệu và Nhân tăng 140,0% so với cùng kỳ. Chi phí này chưa bao gồm các chi phí bảo trì và khấu hao của những dự án IT đã được triển khai. Nhìn chung, tổng chi phí hoạt động được quản lý chặt chẽ, phù hợp với kế hoạch của Ngân hàng, theo đó tập trung ưu tiên đầu tư cho ba trụ cột chính nhằm triển khai chiến lược số hóa trong giai đoạn 2021-25.

Chi phí dự phòng tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1,9 nghìn tỷ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ việc hoàn nhập dự phòng một số chi phí đã trích trước cho các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 trong năm 2020-21.

Nhờ kinh doanh tích cực và tiết giảm được chi phí nên lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Techcombank tăng trưởng 10%, đạt 25,6 nghìn tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Techcombank đạt 699 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 14,5% theo đúng chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước cấp, với danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng.

Trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% so với năm 2021 và chiếm 49,1% danh mục; dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 9,9%, đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng, giảm mạnh so với mức 44,8% của cuối năm 2021.

Tổng tiền gửi tại ngày 31 tháng 12 năm 2022 là 358,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ và số dư CASA đạt 132,5 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37% trong tổng huy động vốn.

Theo giải thích của ngân hàng, bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm. Trong bối cảnh này, mức tăng trưởng mạnh mẽ của số dư tiền gửi có kỳ hạn, đặc biệt quý 4 tăng 32,3% so với quý trước, đã cho thấy sự quyết liệt trong hành động thức thời của Ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn trong nước khi chi phí đi vay từ thị trường quốc tế bị tác động kép (do ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá), cũng như đã thể hiện sự tin tưởng cao của khách hàng vào thương hiệu và an toàn hệ thống cũng như hoạt động của Techcombank.

Về các chỉ tiêu an toàn, tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 28,8%, thấp hơn nhiều so với giới hạn mới 34% theo quy định hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2022. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,2% vào cuối năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, tăng 18 điểm phần trăm so với đầu năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 0,9%, tăng so với năm 2021 nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 125%.

Hằng Kim

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới