Những ngày cuối năm, hoạt động thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đang diễn ra khá rầm rộ. Mới đây, Bộ Công thương đã có lộ trình về việc thoái vốn khỏi Sabeco, hay trong ngày 16-17/11, SCIC cũng tổ chức Roadshow bán vốn cổ phần tại hàng loạt doanh nghiệp lớn như Vinaconex, FPT, Domesco, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh.
Ông Mạc Quang Huy – TGĐ Chứng khoán Maritime (MSI) đã có những trao đổi với chúng tôi về tính khả thi trong các đợt thoái vốn Nhà nước diễn ra tới đây.
Thông tin từ SCIC cho biết, việc thoái vốn VNM đã hoàn tất, các doanh nghiệp blue-chip như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Domesco, Vinaconex, FPT sẽ được triển khai bán sau khi các roadshow được tổ chức vào tháng 11. Ông đánh giá tính khả thi của việc thoái vốn này ra sao?
Những doanh nghiệp mà SCIC dự kiến bán vốn trong tháng 12 này đều là những doanh nghiệp tốt, nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, TTCK thời điểm này cũng khá sôi động. Do đó việc thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp này là hoàn toàn khả thi. Đơn cử như Vinamilk đã được một quỹ đầu tư nước ngoài mua toàn bộ lượng cổ phiếu thoái vốn với mức giá rất cao.
Theo ông, đấu giá cạnh tranh có phải là hình thức hiệu quả nhất để SCIC thoái vốn?
Hiện theo quy định đối với công ty cổ phần đã niêm yết trên TTCK hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom thì việc chuyển nhượng vốn thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận). Ngoài ra, luật không có quy định cụ thể nào khác.
Riêng SCIC có cơ chế riêng cho phép tiến hành chào bán cạnh tranh đối với các cổ phiếu đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch do SCIC nắm giữ. Trên thực tế hình thức này khá phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn thì hình thức này thể hiện một số bất cập nhất định. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và áp dụng thêm các phương thức khác như phương thức dựng sổ để hiệu quả thoái vốn đạt được cao nhất.
Việc bán cổ phần theo lô nên chăng được ưu tiên, nhất là khi các DN trên là đối tượng yêu thích của các nhà đầu tư tổ chức?
Việc bán cổ phần theo lô là hình thức bán quy định nhà đầu tư khi tham gia phải đăng ký mua toàn bộ lượng cổ phần được chào bán. Hình thức này phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức mong muốn tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên hình thức này cũng bất cập ở chỗ là sẽ hạn chế những nhà đầu tư nhỏ chỉ muốn mua một phần lượng vốn được thoái.
Để tăng hiệu quả bán vốn, liệu Việt Nam có nên áp dụng phương thức dựng sổ – phương pháp được đánh giá là phù hợp cho những giao dịch thoái vốn có giá trị lớn và thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài?
Phương thức dựng sổ là phương pháp khá phổ biển ở các thị trường phát triển. Chúng tôi được biết Bộ Tài chính, UBCKNN đang nghiên cứu phương thức dựng sổ và SCIC cũng đã chủ động nghiên cứu về phương thức này để sẵn sàng áp dụng khi có quy định. Điều này cho thấy rằng các cơ quan quản lý cũng đã nhận thức được lợi ích của phương pháp thoái vốn này và tôi tin rằng trong tương lai gần phương thức này sẽ được cho phép áp dụng cho các giao dịch thoái vốn có giá trị lớn.
Có điều gì mà các nhà đầu tư cần lưu tâm khi thực hiện mua cổ phần tại các DN mà SCIC sắp đưa ra thị trường?
Hiện tại SCIC chủ yếu dựa vào chào bán cạnh tranh để chọn nhà đầu tư. Quá trình này thông thường sẽ bao gồm: thuê bên tư vấn, tiến hành định giá để đưa ra giá khởi điểm, công bố thông tin tới các nhà đầu tư và tổ chức một buổi đấu giá.
Bước cuối cùng của việc thoái vốn là việc hoàn tất giao dịch với nhà đầu tư trúng giá thông qua công ty chứng khoán hoặc tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), nếu giá thắng thầu không nằm trong biên độ.
Vừa qua, một số cơ chế tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá cũng đã được SCIC xin phép các cơ quan nhà nước và được phép áp dụng như: việc miễn chào mua công khai, cho phép đặt cọc bằng ngoại tệ.
Theo đó, nhà đầu tư được phép nộp mã số giao dịch muộn (gia hạn nhiều nhất 15 ngày sau ngày thanh toán). Nhà đầu tư có thể đặt cọc bằng USD, giao dịch ký quỹ có thể được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp phép.
Theo ông, trong một quãng thời gian không dài từ nay đến cuối năm, SCIC nên làm gì để đạt được hiệu quả thoái vốn tối ưu?
Để đạt hiệu quả thoái vốn, SCIC nên phối hợp với các đơn vị tư vấn lớn có kinh nghiệm trên thị trường và các ngân hàng đầu tư quốc tế. Nhưng đơn vị này sẽ không chỉ là tư vấn thủ tục và thực hiện những bước thoái vốn thông thường mà còn giới thiệu và tìm kiếm những đối tác quan tâm đến doanh nghiệp mà SCIC định thoái vốn.
Ngoài ra, thông qua các ngân hàng đầu tư và các công ty chứng khoán, SCIC phải tiến hành các roadshow để các nhà đầu tư quan tâm có thể tham dự và giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng SCIC đã và đang làm tốt việc này.
Từ những kinh nghiệm của các đợt bán cổ phần DN quy mô lớn của SCIC như VNM, khách sạn Kim Liên…, ông có nhận xét hoặc lưu ý gì về các hoạt động thoái vốn sau này của SCIC?
Để thoái vốn các DN có quy mô lớn, lộ trình thoái vốn cụ thể chi tiết và sớm đối với từng doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng vào quyết tâm của Nhà nước trong việc triển khai bán vốn Nhà nước cũng như giúp các nhà đầu tư chủ động hơn trong việc nghiên cứu cơ hội đầu tư và lên kế hoạch tham gia (xin phê duyệt hội đồng đầu tư, chuẩn bị nguồn vốn, các thủ tục).