Tồn kho lớn, giá hồ tiêu xuất khẩu giảm mạnh

Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu sang hầu như tất cả các thị trường đều bị sụt giảm về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, do giá xuất khẩu giảm mạnh, cho dù khối lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng.

Khối lượng hồ tiêu xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 192 ngàn tấn, đạt 1,02 tỷ USD, tăng 20,7% về khối lượng nhưng giảm 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 5.340 USD/tấn, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Ba thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Các tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất (UAE) với thị phần lần lượt là 19,3%, 6,8%, và 6%.

Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất tiêu thụ lớn nhất các loại hạt tiêu của Việt Nam, chiếm 18% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước và chiếm 19% trong tổng kim ngạch, đạt 31.876 tấn, tương đương 186,46 triệu USD, (giảm 6,7% về lượng và giảm 37% giá trị so với cùng kỳ 2016).

Ấn Độ thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 7,2% trong tổng lượng và chiếm 6,8% tổng kim ngạch; đạt 12.993 tấn, trị giá 65,46 triệu USD (tăng 35% về lượng nhưng giảm 11% giá trị). Tiếp đến thị trường UAE chiếm 6,7% trong tổng lượng và 6% trong tổng kim ngạch, đạt 12.081 tấn, trị giá 57,92 triệu USD.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, tổng sản lượng tiêu toàn cầu khoảng 320 ngàn tấn, 10 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu 192 ngàn tấn, cả năm 2017 sẽ xuất 200 ngàn tấn có khi lên đến 210 ngàn tấn.

Việt Nam nắm trong tay sản lượng tiêu lớn như thế nên giá phải giảm để giành thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Kết quả xuất khẩu hồ tiêu 10 tháng qua đã tăng đến 21% và đây là mức tăng trưởng rất tốt.

Trên thị trường hồ tiêu thế giới, hồ tiêu Việt Nam đang chiếm tỷ trọng rất cao, đến 62,5% lượng hồ tiêu toàn cầu, dù giá xuất khẩu rớt nhưng giá tiêu trong nước vẫn duy trì ở mức 80.000-90.000 đồng/kg.

Nhưng nếu hồ tiêu vẫn tiếp tục duy trì tình trạng “cung vượt cầu” thì giá hồ tiêu chắc chắn sẽ xuống tiếp. Hiện tượng này “báo động” cho vụ tiêu năm sau cũng sẽ tiếp tục khó khăn trong vấn đề giá.

Nếu xét về mặt thị trường, nhờ nắm trong tay khối lượng hồ tiêu lớn đã tạo cho Việt Nam 3 lợi thế, đó là: (1) Thị trường hồ tiêu rất ổn định; (2) Giá bán luôn có lợi hơn các nước khác; (3) Chiếm tỷ trọng lớn nên có sức ảnh hưởng trên thị trường thế giới, tuy giá xuất khẩu rớt nhưng trong suốt gian qua giá tiêu trong nước vẫn khá ổn định và luôn duy trì ở mức tốt, nhờ vậy đã đảm bảo sự ổn định nhất định của thị trường.

“Nếu sản lượng vụ hồ tiêu trong năm tới vẫn tăng cao có thể ngành hồ tiêu sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, vì giá tiêu xuất khẩu sụt giảm là dấu hiệu cho thấy rõ ràng thị trường tiêu thế giới đang trong tình trạng cung vượt cầu. Đây là một cảnh báo mà ngành hồ tiêu cần phải quan tâm”, ông Nam nhắc nhở.

Tuy nhiên, mức giá bán tiêu như hiện nay đối với những vườn tiêu lâu năm đã thu hồi vốn thì cho thu nhập tốt, nhưng với những vườn tiêu mới bắt đầu cho thu hoạch thì lỗ. Do vậy, người nông dân đã thấy hiệu quả kinh tế cây tiêu mang lại không còn cao, nên có xu hướng giảm dần diện tích trồng tiêu. Đây là tín hiệu tốt cần phát huy và hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích hồ tiêu.

Dự báo giá hồ tiêu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho rằng, giá tiêu sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: tồn kho của Việt Nam và thu hoạch vụ mới của Ấn Độ.

Vụ tiêu của Việt Nam đã qua rất lâu và chỉ còn lượng tồn kho trong dân, nhưng người nông dân với xu hướng bán dần chứ không bán ồ ạt nên giá tiêu trên thị trường vẫn ổn định và duy trì đến cuối năm.

Trong khi đó, thu hoạch của các nước đều đã xong trên thị trường hầu như chỉ Việt Nam còn hàng tồn kho, nên giá tiêu xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào việc bán ra của Việt Nam. Nếu lượng tồn kho của Việt Nam nhiều thì giá xuất khẩu sẽ rất khó tăng, nhưng nếu lượng tồn kho của Việt Nam cạn thì giá cũng vẫn khó tăng, do các nước sắp bước vào vụ thu hoạch mới, trong đó Ấn Độ sẽ vào vụ thu hoạch mới vào tháng 11 hay 12/2017.

Luẩn quẩn hồ tiêu

Bài viết mới