Hậu quả là khi XK không còn thuận lợi, giá lúa nếp đã giảm mạnh, hàng trăm ngàn tấn lúa nếp tồn đọng.
Sản xuất lúa ở ĐBSCL
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2016, XK gạo cả nước chỉ đạt 4,89 triệu tấn, giảm tới gần 26% so với năm 2015. Trong khi các loại gạo chủ lực như gạo trắng, gạo thơm đều giảm về lượng XK, thì nếp lại tăng rất mạnh đạt 1,02 triệu tấn (tăng trên 96% so năm 2015, chiếm 20,9% tổng lượng gạo XK).
XK nếp tăng mạnh khiến cho giá lúa nếp 2016 luôn ở mức tốt. Cụ thể, vụ ĐX 2015-2016, giá lúa nếp từ 5.000-5.600 đ/kg; vụ HT 2016, giá lúa nếp 5.600-6.100 đ/kg. Điều này đã kích thích nông dân ở nhiều địa phương lao vào trồng lúa nếp, kể cả ở những vùng chưa từng trồng lúa nếp. Bằng chứng là trong vụ ĐX 2016-2017, diện tích gieo trồng lúa nếp ở ĐBSCL lên đến 223.044 ha, tăng 87.848 ha so với vụ ĐX 2015-2016.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực và cây thực phẩm (Cục Trồng trọt), cho biết, nhận thấy tình hình sản xuất lúa nếp đang tăng mạnh về diện tích, trong khi thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, ngay từ đầu năm 2017, Cục Trồng trọt đã cảnh báo các địa phương về tình trạng này. Cụ thể, tại công văn số 184/TT-CLT ngày 22/2/2017, về việc tăng cường chỉ đạo chăm sóc lúa ĐX 2016-2017 và triển khai kế hoạch sản xuất lúa HT 2017, Cục Trồng trọt đã nêu rõ việc sản xuất lúa nếp cần phải theo dõi thị trường tiêu thụ để khuyến cáo nông dân gieo sạ các giống lúa phù hợp. Đặc biệt duy trì đúng quy hoạch diện tích gieo sạ các giống lúa nếp, không để nông dân tăng diện tích tự phát, dễ xảy ra rủi ro về tiêu thụ.
Đến ngày 4/4, Cục Trồng trọt tiếp tục có công văn số 385/TT-CLT, về chăm sóc lúa xuân hè, hè thu sớm và tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất lúa HT 2017 tại các tỉnh Nam Bộ, trong đó lưu ý các địa phương về gieo trồng lúa nếp vì chất lượng không cao và đề phòng thị trường không thuận lợi. Tuy nhiên, diện tích lúa nếp vụ HT 2017 vẫn tăng so với vụ hè thu 2016 (tăng 20.339 ha và đạt 178.094 ha).
Do tăng mạnh diện tích trong cả vụ ĐX và HT, lúa nếp đã chiếm tỷ lệ tới 25,2% trong cơ cấu giống lúa các tỉnh ĐBSCL. Sản lượng lúa nếp năm nay đã tăng mạnh, đạt tới 2.558.634 tấn, tăng 665.732 tấn so năm 2016. Trong khi đó, XK gạo nếp lại đang gặp khó khăn, nhất là khi Trung Quốc thay đổi chính sách thuế NK lương thực. Thông tin từ các DN XK gạo sang Trung Quốc cho hay, trước đây, để mua gạo nếp của Việt Nam, thương nhân Trung Quốc thường sử dụng quota gạo hạt ngắn (20 USD/tấn) cộng 1% thuế lương thực. Nhưng từ 1/8/2017, Trung Quốc tăng thuế NK đối với gạo nếp bằng cách bắt buộc thương nhân phải mua quota NK gạo hạt dài (110 USD/tấn) cộng 1% thuế lương thực, hoặc đóng 65% thuế NK.
Nếu đóng 65% thuế NK, chi phí sẽ rất cao, nên thương nhân Trung Quốc đã chọn cách mua quota NK gạo hạt dài. So với quota NK gạo hạt ngắn trước đây, rõ ràng quota NK gạo hạt dài cũng cao hơn nhiều. Do đó, thương nhân Trung Quốc buộc phải giảm mạnh giá mua gạo nếp của Việt Nam xuống. Hiện tại, giá gạo nếp Việt Nam XK sang Trung Quốc chỉ còn 425-435 USD/tấn, giảm 50-60 USD/tấn so với trước đó. Cũng theo thông tin từ các thương nhân XK gạo, sở dĩ Trung Quốc tăng mạnh thuế NK đối với gạo nếp là do trong nửa đầu năm nay, lượng gạo nếp Việt Nam XK sang Trung Quốc quá nhiều, trong khi nhu cầu NK của nước này chỉ khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
Thị trường XK gạo nếp của Việt Nam hiện nay mới chỉ có Trung Quốc và Indonesia, mà Trung Quốc là chủ lực. Vì vậy, khi thương nhân Trung Quốc yêu cầu giảm mạnh giá gạo nếp, các DN XK gạo Việt Nam cũng đành phải chấp nhận. Điều này đã tác động mạnh tới giá lúa nếp vụ HT 2017. Nếu như trong vụ ĐX 2016-2017, giá lúa nếp vẫn còn cao, từ 5.000-5.800 đ/kg, thì giá lúa nếp vụ hè thu chỉ còn 4.500-5.100 đ/kg. So với vụ HT 2016, giá lúa nếp hè thu 2017 cũng thấp hơn tới 1.100 đ/kg. Giá lúa nếp đang có nguy cơ giảm tiếp, có nơi chỉ còn 4.200-4.300 đ/kg, thấp hơn cả giá lúa IR50404 (4.600-4.700 đ/kg). Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng tồn đọng hàng trăm ngàn tấn lúa nếp vì DN chưa thu mua.
Trước tình hình đó, Cục Trồng trọt đã đề xuất các giải pháp như: Thu mua tạm trữ khoảng 200-300 ngàn tấn lúa nếp; tiếp tục chỉ đạo việc khoanh vùng nguyên liệu nếp và giới hạn diện tích sản xuất tại các tỉnh có diện tích nhiều, tập trung như An Giang, Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong vụ đông xuân 2017-2018; công bố sản lượng nếp tiêu thụ hàng năm trong nước và XK vào đầu 2018 và dự kiến sản lượng cho từng tỉnh để chủ động phân vùng, bố trí mùa vụ sản xuất nếp phù hợp; xây dựng vùng nguyên liệu và quản lý vùng sản xuất nếp để dự báo sản lượng và thời gian thu hoạch, hạn chế tình trạng thiếu hoặc thừa trong thời gian tới.
Theo ông Lê Thanh Tùng, diện tích nếp tại những vùng chuyên canh nếp như Phú Tân (An Giang), Thủ Thừa và Tân Trụ (Long An)… đã đáp ứng được về sản lượng phù hợp với khả năng XK.
Vì vậy, không nên mở rộng diện tích nếp ở những vùng trước đây chưa trồng nếp, do vừa làm tăng sản lượng gây dư thừa, vừa không đảm bảo về chất lượng (nông dân không có kinh nghiệm mua giống lúa nếp chất lượng tốt, dễ xảy ra khả năng lẫn tạp giữa lúa nếp với các giống lúa khác gieo trồng trước đó). Các DN XK lúa nếp cũng cần gắn bó chặt chẽ hơn với vùng nguyên liệu.
Việc dư thừa sản lượng lúa nếp do ồ ạt mở rộng diện tích một cách tự phát cũng là lời cảnh báo đối với một số giống lúa khác đang phát triển nóng ở ĐBSCL.