Toàn cảnh vùng đất mới nổi tại miền Trung thu hút loạt dự án nghỉ dưỡng triệu đô
Năm 2016, Thừa Thiên – Huế xác định là “năm doanh nghiệp ” của tỉnh, đi kèm với điều này, tỉnh này đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, thực hiện các cải cách về thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong công tác đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng dịch vụ được đầu tư nâng cấp hoàn thiện đã giúp Thừa Thiên – Huế phát huy được mạnh mẽ các tiềm năng đối với lĩnh vực du lịch- lĩnh vực có thế mạnh truyền thống của tỉnh. Và đây chính là lý do khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn Huế làm điểm đến mới đối với các dự án bất động sản của mình.
Theo nhận định của một số nhà đầu tư BĐS, căn cứ vào bối cảnh hiện nay, phát triển sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là định hướng phù hợp nhất đối với Thừa Thiên – Huế. Sản phẩm này rất phù hợp cho những người đến cố đô để du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá Huế.
Thực tế, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Thừa Thiên – Huế cũng đang rất hút các nhà đầu tư. Tại vịnh biển Lăng Cô – Chân Mây (huyện Phú Lộc), ngay từ đầu năm 2016, Vincoland đã khởi công Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải – Mediterraneo Resort (tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng); Tập đoàn Lu’s World Shine cũng gấp rút triển khai Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô với tổng mức đầu tư 8.096 tỷ đồng.
Một dự án khác được xem là động lực kích hoạt phân khúc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Thừa Thiên – Huế là Laguna Lăng Cô Resort, tổng vốn đầu tư 875 triệu USD của Tập đoàn Banyan Tree cũng đang tiến hành thực hiện giai đoạn 2. Tập đoàn này vừa có văn bản xin nâng tông vốn đầu tư lên 2 tỷ USD để phát triển thêm hạng mục casino và đang được các cấp có thẩm quyền xem xét.
Hiện, có khá nhiều dự án quy mô lớn đã và đang triển khai xây dựng tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, như dự án khu du lịch Suối Voi của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư – Huế với vốn đăng ký 218 tỷ đồng; dự án hơn 10.000 tỷ đồng của nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô; Khu nghỉ dưỡng sân Golf Phong Phú Lăng Cô…
Vùng biển Lăng Cô đang trở thành điểm đến mới của nhiều đại gia địa ốc trong và ngoài nước.
Nhiều dự án đang rục rịch triển khai và tăng vốn đầu tư mở rộng dọc bờ biển Lăng Cô
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên – Huế, đối với khu vực vịnh biển Lăng Cô, tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển nhanh chóng hơn cho đô thị Lăng Cô, từ đó kết nối với Bạch Mã – Cảng Chân Mây, tạo thành tam giác phát triển về du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Song song đó, nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ để có giải pháp; đồng thời kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không đủ năng lực triển khai dự án để bàn giao cho các nhà đầu tư có tiềm lực. Dự kiến trong quý III/2017, Ban sẽ tiến hành thu hồi dự án Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô và Khu du lịch quốc tế Thuận Phong; đồng thời sẽ tiến hành thu hồi các dự án còn lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh vì đang có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Hạ tầng giao thông kết nối Lăng Cô với các vùng kinh tế miền Trung đang được đầu tư mạnh mẽ
Toàn cảnh vùng đất mới nổi cho dự án nghỉ dưỡng nhìn từ trên cao