Bài học của tham vọng
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đề án 911 (đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ) được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2020. Mục tiêu cơ bản của Đề án là tăng cường quy mô và chất lượng đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ phấn đấu đến năm 2020 đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ, trong đó đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 10.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo ở trong nước, 3.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo phối hợp. Đề án đã được khởi động từ tháng 8/2011, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2012 và dừng tuyển sinh kể từ năm 2018. Như vậy, với thời gian tuyển sinh kéo dài 7 năm (2012 – 2018), Việt Nam đặt mục tiêu tuyển sinh được 23.000 nghiên cứu sinh để đào tạo tiến sĩ.
Mục tiêu như thế nhưng kết quả trong quá trình thực hiện đề án được Bộ GD&ĐT cho biết, đối với cả 3 phương thức đào tạo trong nước, phối hợp và toàn thời gian tại nước ngoài, trong 5 năm triển khai từ 2012-2016, Đề án 911 đã và đang đào tạo 3.819 nghiên cứu sinh (sau khi đã trừ số bỏ học), chỉ đạt 16,6%, trong đó có 800 người đã tốt nghiệp trở về nước công tác tại các trường ĐH, CĐ. Tổng kinh phí đã chi của đề án 911 là 1.534,534 tỷ đồng.
Chương trình nhiều nhưng ĐH không được lợi
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính bình quân, mỗi năm cả nước đào tạo được khoảng hơn 1.000 tiến sĩ, trong đó giảng viên các trường ĐH, CĐ chỉ chiếm khoảng 1/3.
Ngoài đào tạo ở trong nước, Bộ GD&ĐT cũng như các Bộ ban ngành khác cũng có đề án đào tạo tiến sĩ phục vụ cho nguồn nhân lực của ngành. Vừa qua, Chính phủ nhiều nước đã tăng số lượng học bổng cho công dân Việt Nam, cụ thể Nga tăng dần từ hơn 400 suất/năm lên 1.000 suất/năm vào năm 2018; Hungary tăng từ 40 suất/năm lên 100 suất/năm. Hàng năm, Việt Nam nhận được tổng cộng khoảng 1.000 – 1.200 suất học bổng để đào tạo đại học và sau đại học tại các nước. Từ năm 2008-2016 các chương trình học bổng Hiệp định đã đào tạo được 1.385 tiến sĩ, trong đó tỷ lệ giảng viên chiếm khoảng 70%.
Đề án 322/356 là chương trình học bổng đầu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước để Bộ GD&ĐT chủ động kế hoạch gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài cho những ngành mà Việt Nam đang cần. Đến nay, Đề án đã đào tạo được 2.256 tiến sĩ, trong đó có khoảng 1.300 tiến sĩ là giảng viên của các cơ sở giáo dục ĐH.
Đề án “Cử cán bộ đi đào tạo tại Liên bang Nga theo Hiệp định Xử lý nợ của Việt Nam với Liên bang Nga” (gọi tắt là Đề án Xử lý nợ) được sử dụng khoảng 50 triệu USD để cử công dân Việt Nam đi đào tạo. Trong đó, 17 triệu USD dành cho việc cử cán bộ đi đào tạo tại Liên bang Nga, 33 triệu USD được sử dụng để cử cán bộ đi đào tạo tại một số nước khác. Đề án Xử lý nợ 33 triệu USD đã thực hiện và cử cán bộ đi học tại nhiều nước phương Tây và đã cơ bản hoàn thành, dừng tuyển sinh từ năm 2011. Đề án đã cử được 1.028 người đi học ở các nước và đào tạo được 08 tiến sĩ.
Đề án Xử lý nợ 17 triệu USD được chính thức thực hiện từ năm 2004. Tính đến năm 2011 đã cử được 527 lưu học sinh đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục ĐH của Liên bang Nga. Đến nay, Đề án đào tạo được 527 người trong đó có 98 tiến sĩ.
Chương trình Công nghệ sinh học và Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2006 -2010 với số lượng đào tạo mới 60 – 80 tiến sĩ, ngoài ra còn có các đối tượng khác. Hiện nay Đề án đã cử được 168 người đi học tiến sĩ và trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 70 người.
Theo Quyết định phê duyệt của Chính phủ, đến năm 2010 Chương trình phải đào tạo được 50 – 60 tiến sĩ, 200-300 thạc sĩ, 300-500 kỹ thuật viên và đào tạo lại 50 cán bộ có trình độ cử nhân trở lên. Tuy nhiên đến nay, Chương trình này mới gửi đi đào tạo tại nước ngoài được 5 tiến sĩ trong đó không có giảng viên nào.
Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với mục tiêu đào tạo 300 cử nhân, 180 thạc sĩ, 50 tiến sĩ, 40 người có trình độ trung cấp và bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 360 người là giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên… Hiện tại Đề án mới đang tuyển sinh để cử người đi đào tạo tại nước ngoài.
Cùng với Bộ GD&ĐT, các Bộ ngành khác cũng có chương trình đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, để phục vụ giảng dạy trong các trường ĐH không nhiều.
2018-2025: Các trường ĐH cần bổ sung gần 36.000 tiến sĩ
Nghị quyết số 14 của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020” đã chỉ ra rằng, đến năm 2020 có ít nhất 35% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ này có thể thấy rất khiêm tốn so với thế giới. Năm học 2016-2017, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%). Do số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ không đạt được tỷ lệ theo dự kiến, Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh, theo đó, dự kiến phấn đấu đến năm 2020 đạt 25% giảng viên ĐH và 8% giảng viên CĐ là tiến sĩ.
Bộ GD&ĐT cũng đã thực hiện khảo sát đối với các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam về nhu cầu phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ giai đoạn 2018-2025 và kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo trong nước là 21.404 người, ở nước ngoài 14.468. Như vậy tổng số giảng viên có trình độ tiến sĩ cần bổ sung trong giai đoạn 2018 – 2025 là khoảng gần 36.000 người.
Cần một cuộc tổng rà soát các loại bằng tiến sĩ