Đây là thông tin được Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc họp bàn triển khai xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành công thương chiều 22-9.
“Khúc xương bị hóc”
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), cho biết trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện, xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương để trình Thủ tướng trước ngày 30-9. Tiếp đến, Bộ sẽ xây dựng phương án và tổ chức thực hiện kèm theo cam kết và lộ trình xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp đối với xử lý các khó khăn, tranh chấp của các hợp đồng EPC; trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét cho gia hạn đến hết quý I-2018.
Cụ thể, về kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi sẽ do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xử lý tàu 104.000 DWT của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ khẩn trương chỉ đạo thuê tư vấn xác định giá trị để làm cơ sở kiểm toán, quyết toán bàn giao tàu.
Đối với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam thì sẽ tiếp tục thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN, cho biết hiện nay đơn vị này đang chỉ đạo các công ty thành viên lựa chọn nhà đầu tư để tham gia tái khởi động các dự án. Quan điểm lựa chọn là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, gánh vác được trách nhiệm đầu tư trong quá trình phục hồi các dự án.
Ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), cho hay các dự án của Vinachem đang rất khó khăn và chậm phục hồi. Vấn đề vướng nhất là quyết toán hợp đồng với nhà thầu EPC. Hiện nay Vinachem đang thuê tư vấn luật để rà soát các hợp đồng với nhà thầu.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng thời gian không còn nhiều nhưng còn rất nhiều nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến các dự án này trong năm 2017. Bộ Công Thương sẽ phải có các giải pháp cụ thể để xử lý hợp đồng EPC, tín dụng và tái cơ cấu nợ cho các dự án. Người đứng đầu Bộ Công Thương ví von những yếu tố này như “khúc xương bị hóc” trong quá trình xử lý tồn tại ở các dự án.
“Chúng ta phải tự cứu mình trước khi có các cơ chế ưu đãi. Tinh thần là không đợi cơ chế, trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó. Các đơn vị thuộc Bộ, chủ đầu tư cần chủ động những việc nằm trong thẩm quyền. Các việc liên quan đến bộ, ngành khác thì cùng phối hợp để xử lý dứt điểm” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex). Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
Không đẩy lên Chính phủ
Là người trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác xử lý các dự án thua lỗ của ngành, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng vấn đề cốt lõi nhất hiện nay cần làm là rà soát lại các khoản vay. Chủ đầu tư tích cực làm việc với các ngân hàng để tái cơ cấu khoản vay với mục tiêu giảm lãi suất, giãn nợ.
Theo Bộ Công Thương, dự kiến đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp và đến năm 2020 sẽ hoàn thành xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.
“Tinh thần của Chính phủ là không bỏ thêm tiền vào các dự án này nên các cổ đông sẽ phải tự quyết định có đầu tư thêm hay không. Hội đồng thành viên có nghị quyết để xử lý, nêu trách nhiệm cụ thể từng thành viên chứ không nên đẩy việc lên Chính phủ. Các chủ đầu tư cần soát lại hợp đồng với nhà thầu, nếu cảm thấy chắc chắn pháp lý có thể khởi kiện, ai sai người đó chịu trách nhiệm. Giải quyết điều này mới thanh lý được hợp đồng. Đây chính là khâu mấu chốt vấn đề” – ông Vượng nói.
Ông Trần Tuấn Anh yêu cầu các tập đoàn rà soát trách nhiệm người đứng đầu các dự án, có phương án thay thế lãnh đạo nhà máy để xảy ra thua lỗ. “Tôi thấy ở nhiều tập đoàn, tổng công ty để xảy ra tình trạng lãnh đạo buông lỏng quản lý cán bộ. Nhiều chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn để xảy ra thua lỗ lớn. Đơn cử như lãnh đạo PVN buông lỏng quản lý trong thời gian dài” – ông Tuấn Anh nêu thực tế.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn làm việc với đối tác để tái khởi động nhà máy, tính toán phương án ứng vốn, bao tiêu sản phẩm; đàm phán định giá tài sản để bán thanh lý hoặc đấu giá các dự án không còn khả năng tái khởi động. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ làm việc với đối tác Trung Quốc để giải quyết các vướng mắc hiện nay.
Cái lo mất vốn, cái đấu giá 2 lần vẫn chưa xong
Đối với bốn dự án của Vinachem gồm dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng, tính đến ngày 15-9, kết quả sản xuất, kinh doanh của bốn đơn vị đã có những cải thiện đáng kể cả về doanh thu, sản lượng và mức độ thua lỗ. Tháng 9-2017, ước tính lãi 6,7 tỉ đồng…
Đối với các dự án của PVN như Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi thì vẫn chưa vận hành sản xuất lại được do khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải để có thể vận hành 100% công suất thiết kế (hiện nay chỉ vận hành ở mức 60% công suất thiết kế). Mặt khác, giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp nên các cổ đông (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR, PVOil) lo ngại có thể rủi ro mất vốn do sản xuất, kinh doanh thua lỗ. PVN đang lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Đối với dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Đến nay đã qua hai lần tổ chức bán đấu giá nhưng đều không thành công. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc bán đấu giá tiếp tục tập trung triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương