Lúc 7h58 sáng 18/6 ở phía bắc tỉnh Osaka với xảy ra một trận động đất mạnh 5,3 độ, chấn tâm nằm ở độ sâu 15,4 km. Theo thang đo Shindo 7 cấp của Nhật Bản, trận động đất được xếp ở mức 6- (sáu trừ). Ở mức độ này, việc đứng trên mặt đất cũng khá khó khăn.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 3 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái 9 tuổi và một cụ ông. Hai nạn nhân đều tử vong sau khi bị tường đổ đè trúng. Hàng chục người khác đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu vì bị thương.
Nguồn: japantimes.co.jp
Động đất ở Nhật xảy ra như cơm bữa. Ngay cả những đứa bé đi học mẫu giáo cũng đã được dạy cách phải bảo vệ mình như thế nào khi gặp động đất. Người dân Nhật Bản tập “sống chung với lũ”, vì điều kiện tự nhiên bên ngoài không an toàn nên tất cả đều cố gắng học cách chấp nhận, chứ không hề lấy sự phàn nàn, đổ lỗi là việc cần làm.
Không phải ngẫu nhiên mà những đức tính của người Nhật được người dân thế giới ngưỡng mộ và muốn học tập, noi theo. Một trong số đó phải kể đến là tính kỉ luật. Có thể bạn chưa bao giờ hình dung được tình huống này, nhưng trong một trận động đất “long trời lở đất” xảy ra như ngày hôm nay, họ vẫn bình tĩnh xếp hàng ngay ngắn để di chuyển thay vì chạy loạn vô kỉ luật .
Nguồn: Duy Thanh
Nguồn: Duy Thanh
Vì động đất mà tàu không thể chạy, mọi người phải xuống đi bộ trên đường tàu để đến nơi làm việc hoặc về nhà. Đường sắt bỗng nhiên trở thành đường bộ, nhưng không vì thế mà người dân chạy tán loạn để thoát thân. Bù lại, họ bình tĩnh xếp hàng lần lượt di chuyển theo sự hướng dẫn của các cảnh sát đường tàu.
Đây không phải là lần đầu tiên mà đức tính của người Nhật được người dân thế giới ca ngợi. Họ cùng nhau bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề, dù đó có là vấn đề lớn thế nào. Từ những người lần đầu gặp nhau trong hoạn nạn cũng quyết tâm nắm tay nhau trải qua khoảnh khắc khó khăn, chứ không hề vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua lợi ích tập thể, lợi ích xã hội.
Nguồn: Duy Thanh
Nếu như sau mỗi thảm hoạ động đất, sóng thần hay bão tố, từ các nước nghèo nhất nhì như Haiti cũng có quá nhiều kẻ tư lợi đã lợi dụng tình hình rối ren để trộm cướp, vụ lợi cá nhân đến các nước phát triển như Mỹ sau siêu bão Katrina, người New Orlean đã chứng kiến nạn cướp bóc trên quy mô mà nhiều người Mỹ cũng phải bất ngờ. Hay năm 2013 tại Chile, quân đội phải can thiệp nạn cướp bóc triền miên. Nhưng ở xứ sở mặt trời mọc thì lại khác.
Trận động đất 9 độ richter kéo theo sóng thần kinh hoàng năm 2011 là một cơn ác mộng của thế giới mỗi khi nhắc lại. Nhưng ở nơi mà hàng vạn người đã mất hết nhà cửa, và thậm chí mất hết người thân… vậy mà họ vẫn lặng lẽ xếp hàng nhận từng nắm cơm trắng, cuộn mình trong những chiếc chăn mỏng thành hàng, thành lối trong chỗ trú nạn. Không hỗn loạn, không tranh cướp, không một ai tích trữ, không một ai kêu than.
Trong cơn thảm họa, người dân Nhật Bản vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt lên xe buýt, kiên nhẫn xếp hàng chờ gọi điện thoại công cộng. Với những người dân không về nhà được, họ vẫn bình tĩnh vào trú tạm tại các địa điểm công cộng được chính quyền bố trí trong trật tự và bình thản. Không khí sơ tán tại các trường học, bệnh viện… rất gọn gàng, khẩn trương và hiệu quả.
Người dân Nhật Bản hoàn toàn xứng đáng với cái tên “dân tộc kiên cường” mà toàn thế giới dành cho. Chẳng mấy ai có thể bình tĩnh khi đối mặt với cái chết cả, hầu hết là sẽ lợi dụng kẽ hở, vồ lấy sự sống như muốn “ăn tươi”, bất chấp việc mình có gây hại cho ai. Giữa ranh giới ấy, cứ mặc định “một người sống thì sẽ có một người chết”.
Chắc hẳn bạn còn nhớ thảm kịch khiến cho 456 người thiệt mạng khi người dân xô lấn, giẫm đạp lên nhau trên cây cầu Cầu Vồng dẫn đến đảo Kim Cương, phía tây Phnom Penh, Campuchia năm 2010. Lí do dẫn đến thảm kịch này là việc cây cầu treo mới xây lắc lư, gây ra nỗi sợ hãi là cầu sắp sập, khiến đám đông trở nên hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau chạy thoát thân.
Bởi vậy mới nói, sự bình tĩnh, tính kỉ luật của người dân Nhật Bản đáng để người dân thế giới học tập. Mỗi người dân đất nước này đều làm tôn vinh tinh thần “võ sĩ đạo” của xứ mặt trời mọc: “Khi nằm xuống như hoa anh đào rơi, cánh vẫn vẹn, màu vẫn tươi”.