Tình hình mua bán và đầu tư bất động sản khách sạn thời kỳ hậu Covid-19

Các hạn chế đi lại trên toàn thế giới để ngăn chặn Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các thị trường bất động sản khách sạn, khiến các nhà điều hành phải thiết kế lại mô hình kinh doanh và đẩy nhanh quá trình số hóa. Trong bối cảnh này, số lượng thương vụ M&A cũng tăng lên nhanh chóng để tận dụng lợi thế giá rẻ và đón đầu quá trình hồi phục của ngành du lịch, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các các nhà đầu tư.

Khoản đầu tư đáng giá

Khách sạn là một trong những phân khúc được săn đón nhiều nhất, đặc biệt là với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị. Kế hoạch mở cửa và nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch và khách sạn nhanh chóng bùng nổ trở lại sau dịch.

Theo đó, giới đầu tư, bao gồm cả quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), công ty tư nhân và nhiều quỹ đầu tư cá nhân (PE) hiện đang đẩy mạnh việc mua lại các tòa nhà khách sạn để nâng cấp dịch vụ nhằm đón đầu xu hướng bật tăng của du lịch.

Đồng thời, các đơn vị này cũng tăng cường hoạt động chuyển đổi một số tòa khách sạn thành văn phòng và mô hình căn hộ chia sẻ (co-living space), đặc biệt là tại Hồng Kông và Singapore, hai nơi có nhu cầu khá lớn về việc tìm kiếm căn hộ với mức giá hợp lý khi giá thuê tương đối đắt đỏ và kém linh hoạt.

Các quỹ REIT trong ngành khách sạn

Các nhà đầu tư có thể rót vốn vào khách sạn thông qua các quỹ tín thác bất động sản (REIT). Các quỹ này thường chia thành hai loại: Loại thế nhất có danh mục đầu tư khách sạn đa dạng về mặt địa lý, chẳng hạn như CapitaLand Ascott Trust, CDL Hospitality Trust và Fraser Hospitality Trust của Singapore. Loại thứ hai tập trung kinh doanh bất động sản tại một thị trường nhất định, chẳng hạn như Far East Hospitality Trust ở Singapore và ARA US Hospitality Trust ở Mỹ.

Các quỹ REIT tập trung vào ngành khách sạn đã trải qua sự sụt giảm giá trị cổ phiếu và tỷ suất cổ tức trong thời kỳ đại dịch, với định giá khách sạn thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, cùng với sự hồi phục của ngành du lịch, các quỹ REIT này đang trên đà quay trở lại. Một số quỹ thậm chí còn tận dụng thời kỳ đại dịch để tái định vị các khách sạn và cải thiện danh mục đầu tư, với kỳ vọng sẽ đón đầu làn sóng phục hồi.

Ông Chris Ely – Trưởng Bộ phận Quản lý tài sản mảng khách sạn của CBRE tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá: “Với các tòa khách sạn hiện tại, nhiều nhà đầu tư và đơn vị vận hành đã tận dụng thời điểm tạm lắng khách trong mùa dịch Coivd-19 để tiến hành nâng cấp và cải thiện lại cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách trở lại. Đồng thời, họ cũng sử dụng vốn đầu tư vào yếu tố công nghệ như thiết lập giải pháp thông minh ứng dụng trong quản lý vận hành khách sạn nhằm tạo nên sự khác biệt”.

Vào tháng 3 năm 2020, OUE Commercial đã đổi tên thương hiệu Mandarin Orchard thành Hilton Singapore Orchard và tiến hành nâng cấp các phòng khách sạn trong thời kỳ đại dịch. Khi mở cửa trở lại vào năm 2022, khách sạn đã được tân trang và tích hợp với trung tâm bán lẻ liền kề, đáp ứng nhu cầu từ khách doanh nhân và khách du lịch cao cấp, những người thích ở gần vành đai mua sắm chính trên Đường Orchard.

Trong khi đó, CapitaLand Ascott Trust đã tận dụng thời kỳ Covid để củng cố thêm các danh mục đầu tư sau khi sáp nhập và mở rộng thông qua các thương vụ mua lại mới giúp mang lại lợi nhuận khoảng 318 triệu đô la Singapore, từ đó củng cố các thị trường trọng điểm hiện tại của họ ở Úc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ và Việt Nam.

Áp lực vận hành bền vững

Trong khi các quỹ đầu tư trong ngành khách sạn sẽ hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của ngành du lịch và lữ hành, thì áp lực về tính bền vững đang đè nặng lên hoạt động vận hành của nhà điều hành.

Họ cần giải quyết tình trạng lãng phí và tiêu thụ quá mức năng lượng và tài nguyên nước đang phổ biến trong lĩnh vực này. Công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng có thể tiết kiệm chi phí vận hành; trong khi việc sử dụng các cách tiếp cận chủ động hơn cũng giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng. Các bước đơn giản – chẳng hạn như cung cấp hộp đựng có thể đổ đầy lại thay vì đồ vệ sinh cá nhân dùng một lần, cung cấp nước lọc thay vì nước uống đóng chai và khuyến khích khách không thay khăn trải giường và khăn tắm – có thể giúp ích rất nhiều.

Trong bối cảnh này các vấn đề về phát triển bền vững ngày càng được quan tâm, chính các quỹ đầu tư trong ngành khách sạn cũng phải tuân thủ các trách nhiệm về môi trường và xã hội, để đảm bảo kết quả kinh doanh tốt và lợi suất bền vững.

Bài viết mới