Ngày 8/9, Ngân hàng BIDV phối hợp với Ngân hàng tín thác Sumi Trust của Nhật tổ chức tọa đàm về cho thuê tài chính.
Thông tin tại buổi tọa đàm cho biết, thuê tài chính là kênh huy động vốn phổ biến trên thế giới với doanh số hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD. Tại Mỹ, 80% các doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn trong Fortune 500 đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn tại Nhật Bản, doanh số cho thuê tài chính hàng năm cũng khoảng 50 tỷ USD.
Tại Việt Nam, nơi hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính đã tương đối phát triển thì cho thuê tài chính vẫn là thị trường nhỏ bé với dư nợ chỉ khoảng 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự ngạc nhiên với vị thế của cho thuê tài chính Việt Nam bởi họ đã sử dụng dịch vụ này như một thói quen ở các nước khác.
Sản phẩm cho thuê tài chính có đặc điểm là thời hạn thuê khá lâu, tổng tiền thuê lớn hơn hoặc bằng giá trị tài sản tại thời điểm thuê; bên thuê được nhận quyền sở hữu hoặc tiếp tục theo thỏa thuận khi kết thúc thời hạn thuê và có quyền ưu tiên mua tài sản thuê khi hết hợp đồng. Đặc biệt, thuê tài chính có thể thuê các tài sản là thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất và cơ bản là không cần tài sản đảm bảo.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, với nền kinh tế tiếp tục dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới cùng những nền tảng về kinh tế vĩ mô rất tích cực như về tỷ giá, lãi suất…Cùng sự phát triển của kinh tế với mức tăng dự kiến trên 6,7%/năm từ nay đến năm 2020 sẽ tạo ra nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải đường bộ phục vụ phát triển. Thuê tài chính sẽ là một giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản tiếp cận vốn, nhất là vốn trung và dài hạn trong bối cảnh chính sách đang hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và đặc thù dùng tài sản đảm bảo cho việc cấp tín dụng của doanh nghiệp vừa nhỏ vẫn thường gặp khi vay vốn ngân hàng.
Trong khi đó, đại diện cơ quan quản lý Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Du, vụ trưởng Vụ chính sách an toàn hoạt động ngân hàng đánh giá, một trong những đặc thù của công ty cho thuê tài chính không chỉ là hỗ trợ về vốn mà còn được nhận tiền gửi của tổ chức và các hình thức huy động vốn khác, do vậy đây sẽ là kênh huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, quan trọng trong tương lai. Ông Du cũng cho biết cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho thuê tài chính.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam, nhu cầu vốn nói chung của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, đặc biệt là vốn trung dài hạn, nhưng chỉ có chưa đến 33% số các doanh nghiệp tiếp cận được vốn, hơn 35% phản ánh là khó tiếp cận và số còn lại cho biết không thể tiếp cận được. Hay nói cách khác, có đến gần 70% các doanh nghiệp SME vẫn chưa thể tiếp cận được vốn, trong khi số các doanh nghiệp này chiếm đến hơn 90% số DN trong cả nước. Khó khăn có rất nhiều lý do và các bên cũng đã nỗ lực nhưng thời gian qua vẫn chưa thể khắc phục được đáng kể.
Cũng theo ông Thân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần vốn để phục vụ hoạt động nhưng họ lại bị tổn thương khi không thể tiếp cận được vốn với lãi suất hợp lý từ ngân hàng mà phải vay bên ngoài với lãi suất rất cao, càng làm cho họ khó khăn hơn.
Chính vì vậy, sự có mặt của hoạt động cho thuê tài chính khắc phục được những khó khăn của doanh nghiệp (về tài sản đảm bảo là chính) sẽ là kênh dẫn vốn rất hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung và SME nói riêng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.