Theo thống kê của NHNN 5 tháng đầu năm 2018, dư nợ tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và đến ngày 31/5, đạt 6,16% so với cuối năm 2017. Trong đó, tín dụng tiêu dùng tăng 6,83%, tín dụng cho bất động là 2,19%…
Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh vì sao?
Cơ cấu tăng trưởng tín dụng cho thấy dòng vốn ngân hàng đi vào lĩnh vực sản xuất và có chất lượng, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, có sự kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro tiềm ẩn, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng mức tăng tín dụng cá nhân vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề cần xem lại. Bởi lẽ, việc tăng trưởng tín dụng cá nhân cho thấy kết quả tăng dư nợ cao hơn, theo xu hướng triển khai dịch vụ tín dụng tiêu dùng ở các ngân hàng bán lẻ, đa năng trong nay mai.
Một chuyên gia cho biết, các khoản cho vay mua, sửa chữa nhà ở chiếm khoảng hơn 50% tỷ trọng cơ cấu tín dụng tiêu dùng nói chung. Tỷ trọng này ở các Cty tài chính thấp hơn trong khi nhu cầu vay mua sở hữu phương tiện giao thông hoặc học tập du lịch chữa bệnh lại tăng lên đáng kể.
Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng qua các năm
Chuyển dịch vốn vào bất động sản
Trong 5 tháng đầu năm nay, thị trường BĐS đã “sốt không thể sốt hơn” ở rất nhiều địa bàn, đặc biệt ở các khu vực có thông tin chính sách như đặc khu kinh tế, các vùng ven biển và nơi có các dự án đầu tư lớn.
Tại TP HCM, khu vực có thị trường địa ốc tăng ổn định liên tục trong 3 năm gần nhất, tăng trưởng tín dụng cũng đã đạt tốc độ cao 6,42%. Trong đó, dư nợ tín dụng BĐS chiếm tỷ lệ 10,8% tổng dư nợ, cao hơn hẳn tổng dư nợ tín dụng BĐS trên cả nước.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, nhìn chung các doanh nghiệp BĐS vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, do các NHTM đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS theo định hướng của NHNN.
Hầu hết các ngân hàng tại TP.HCM đang sẵn sàng cho vay tới 70% giá trị tài sản hình thành trong tương lai theo gói sản phẩm cho vay mua nhà ở trả góp, với hạn mức khoản vay lớn, thời gian cho vay dài từ 15-20 năm.
Nếu tín dụng khó chảy vào các doanh nghiệp BĐS, thì tín dụng cho vay BĐS phải chăng chảy vào các dự án mà các ngân hàng liên kết với chủ đầu tư để giải ngân cho người mua – như cách thức mà phần lớn các NHTM trên địa bàn ở mọi quy mô đều đã và đang triển khai?. Và đây chính là một nguồn lực để thanh khoản trên thị trường BĐS thời gian qua được đẩy mạnh?.
Còn nhớ năm 2017, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS -Bộ Xây dựng từng kiến nghị rằng, để kiểm soát tốt dòng vốn cho vay BĐS, NHNN phải xác định lại khái niệm cho vay tiêu dùng, không nên tính khoản cho vay mua nhà là cho vay tiêu dùng. Bởi vì đây là hình thức đầu tư BĐS, chỉ nên tính khoản vay để sửa chữa nhà hoặc thuê nhà là khoản vay tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh-Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết thời gian tới, NHNN sẽ đưa ra giải pháp để kiểm soát tín dụng tiêu dùng, trong đó có kiểm soát chặt lãi suất cũng như thu hồi nợ. Nên chăng, với dư nợ cho vay BĐS lẫn cho vay tiêu dùng tăng mạnh nói riêng tại TP.HCM, khái niệm này có lẽ cũng một lần nữa nên được tính toán lại, để các khoản vay mua nhà ở- có trường hợp là vay đầu tư, với đặc thù có tài sản thế chấp hình thành trong tương lai và ít rủi ro trên hình thức ngân hàng nắm sổ đỏ hoặc hợp đồng mua bán nhà- không xảy ra tình trạng lách kiểm soát vốn vào BĐS, chặn kẻ hở chạy đua tăng dư nợ tín dụng.