Tăng trưởng tín dụng tới cuối tháng 3 đạt hơn 2%, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, một phần do nhiều doanh nghiệp khó khăn, không có nhu cầu vay vốn.
Chiều nay (31/3), Ngân hàng Nhà nước họp báo tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong quý I.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 28/3 tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Mức này tăng hơn 11% so với cùng kỳ, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là “không cao” so với giai đoạn cuối năm 2022. Diễn biến này vì cả lý do khách quan và chủ quan, trong đó một phần do sức cầu yếu từ phía doanh nghiệp.
“Khó khăn doanh nghiệp hiện nay là một vấn đề. Nhu cầu tín dụng của một số một số lĩnh vực chững lại”, Phó thống đốc Đào Minh Tú đánh giá.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã gặp nhiều hiệp hội, doanh nghiệp để nghe báo cáo, phản ánh khó khăn. “Một phần là họ thiếu đơn hàng, tồn kho, sản xuất bị ngưng trệ”, Phó thống đốc nói và cho biết thêm, cơ quan quản lý đang xem xét chính sách hỗ trợ do yếu tố khách quan này. Ngoài ra, một phần nguyên nhân do quý I trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, việc đầu tư, triển khai một số dự án bị ảnh hưởng.
Tại toạ đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh” ngày 30/3, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh đang rất khó khăn trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa, cho biết các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm, tăng trưởng thấp kỷ lục. Dệt may, thuỷ sản xuất khẩu, gỗ đều tăng trưởng thấp cùng với kênh bất động sản “đóng băng”. Hệ luỵ là một loạt lĩnh vực sắt thép, xi măng cũng dừng tới 90% hoạt động.
“Các doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh lực cầu giảm, nên thực tế không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh. Nhu cầu vay hiện nay của chúng tôi là để cầm cự”, ông nói và cho biết hai nguyện vọng lớn nhất với ngành ngân hàng hiện nay là có chính sách giãn nợ và giảm lãi suất vay.
Đối với lãi suất, trong hơn hai tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã giữ nguyên các mức điều hành nhằm ổn định thị trường, trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng và neo ở mức cao, áp lực lạm phát trong nước gia tăng.
Giữa tháng 3, trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế, cơ quan điều hành quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, khuyến khích tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi đã giảm từ 0,2-0,5% với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3. Trên cơ sở đó, các ngân hàng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, giảm chi phí tài chính.
Minh Sơn