Kinh doanh bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều nhà băng tăng trưởng tín dụng trong quý I, cùng với một mảng mới là hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ.
Quý I năm nay, tín dụng vẫn là vấn đề của hệ thống ngân hàng. Hai tháng đầu năm, chỉ tiêu này âm 0,72%. Đến hết tháng 3, tín dụng vào nền kinh tế mới tăng trở lại, đạt 0,9%. Tuy nhiên, con số này là mức trung bình của cả hệ thống, còn mỗi nhà băng lại có một diễn biến khác nhau.
Danh sách tăng trưởng tín dụng cao trong quý I toàn bộ là nhóm ngân hàng tư nhân. LPBank đứng đầu với tín dụng tăng 11,7% trong ba tháng đầu năm.
Quy mô dư nợ cho vay của ngân hàng này tới cuối quý I đạt hơn 307.000 tỷ đồng, tăng hơn 30.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó, lĩnh vực được rót vốn nhiều nhất là Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác, với dư nợ tăng khoảng 15.000 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm. Lĩnh vực này cũng chiếm 1/4 tổng dư nợ cho vay của LPBank.
Khác với ngân hàng này, phần lớn dư nợ của Techcombank – đứng thứ hai về tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống – được dồn cho kinh doanh bất động sản.
Đến hết quý I, Techcombank cho vay hơn 539.000 tỷ đồng, tăng hơn 37.400 tỷ so với đầu năm. Trong đó, hơn 17.000 tỷ đồng được ngân hàng này đẩy vào cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản. Tỷ trọng của mảng này trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 35,21% vào đầu năm lên 35,98% vào cuối quý I.
Đứng thứ hai về quy mô tăng dư nợ với Techcombank là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng trong quý I. Năm 2023, lĩnh vực này mới được cho vay hơn 500 tỷ đồng.
Ngoài Techcombank, các nhà băng khác cũng ghi nhận dư nợ cho hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng, như SHB là hơn 3.200 tỷ đồng (tăng gần 3.000 tỷ đồng trong quý I), MB ghi nhận hơn 600 tỷ đồng (tăng hơn 30 tỷ đồng).
Theo tìm hiểu của VnExpress, cuối năm 2023, Techcombank và GSM – hãng taxi điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – đã đăng ký giao dịch bảo đảm, với GSM thế chấp 3.598 xe ôtô VinFast cho Techcombank. SHB, MB và một số ngân hàng khác cũng ghi nhận các giao dịch đảm bảo với GSM từ đầu năm nay.
Nhóm ngân hàng dư nợ tăng trên 5% trong quý I còn HDBank và NVB. Đến cuối tháng 3, HDBank cho vay hơn 360.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20.000 tỷ so với đầu năm (5,5%). Theo thuyết minh báo cáo tài chính, hai lĩnh vực có mức tăng mạnh nhất là xây dựng và bán buôn, bán lẻ.
Kinh doanh bất động sản hay cho vay hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng trong nhóm cao nhất của HDBank nhưng thay đổi không đáng kể sau ba tháng đầu năm.
So với những ngân hàng khác, NVB lọt vào nhóm tăng trưởng tín dụng cao chủ yếu do mức nền thấp trong hệ thống. Dư nợ cho vay của ngân hàng này đến cuối quý I là hơn 58.300 tỷ đồng, tăng khoảng 3.000 tỷ so với đầu năm. Việc gia tăng dư nợ cũng là tín hiệu tích cực với NVB, khi tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của nhà băng này đang đứng đầu hệ thống (gần 29% tính tới cuối quý I).
Tăng trưởng tín dụng trong khoảng 4-5% có ba ngân hàng, gồm OCB, EIB và MSB. Trong đó, MSB có khẩu vị rủi ro tương đồng với Techcombank, khi dồn lực cho kinh doanh bất động sản và mảng dịch vụ công nghệ – khoa học công nghệ.
Trong nhóm quốc doanh, biên độ thay đổi có phần khiêm tốn hơn, một phần do quy mô dư nợ đều ở mức cao trên 1 triệu tỷ đồng. VietinBank có mức tăng dư nợ tốt nhất nhóm này, với 2,8%. BID tăng dư nợ cho vay thêm gần 1% trong quý I, còn Vietcombank giảm dư nợ 0,3%.
Ngoài Vietcombank, TPBank và ABBank cũng ghi nhận giảm dư nợ trong quý I.
Quy mô cho vay của ABBank đến cuối quý I là hơn 79.000 tỷ đồng, giảm hơn 19% so với đầu năm. Ngân hàng này không giải trình chi tiết về thay đổi dư nợ, nhưng phần thuyết minh cho biết thêm thay đổi chủ yếu ở nợ vay ngắn hạn (giảm từ 56.900 tỷ xuống 41.200 tỷ đồng).
Theo nhóm phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), tăng trưởng tín dụng thấp đầu năm phản ánh nhu cầu tín dụng yếu của nền kinh tế. Ngoại trừ cho vay bất động sản (tăng 1,52%) và các ngành liên quan đến chứng khoán (tăng 2,56%), còn lại hầu hết các ngành đều đang gặp khó khăn, đặc biệt là cho vay tiêu dùng (giảm 1,77%). “Điều này giải thích tại sao tiêu dùng trong nước chưa hồi phục trong hai tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, tình hình đã có xu hướng cải thiện trong tháng 3”, SSI Reseach nhận xét.
Trong đó, dòng tín dụng vào ngành bất động sản tiếp tục mở rộng do nhu cầu vốn của các chủ đầu tư vẫn ở mức cao, với nhu cầu tái cơ cấu khoản vay.
“Nếu loại trừ lô trái phiếu An Đông (liên quan đến Vạn Thịnh Phát), ước tính lượng trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng đáo hạn trong 2 tháng đầu năm vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng các hoạt động tái cơ cấu khoản vay có thể làm hạn chế việc ghi nhận nợ xấu trong các quý tới”, nhóm phân tích đánh giá.
Minh Sơn