Sáng 26/1, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016” của Quốc hội đã làm việc với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước về nội dung giám sát.
Chủ trì buổi làm việc là Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, ông Phùng Quốc Hiển.
Nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng, ông Hiển cũng cho biết sau 5 năm Quốc hội mới quay lại giám sát vấn đề này.
Quốc hội khoá 12 đã giám sát về cổ phần hoá doanh nghiệp và quản lý vốn Nhà nước, đến Quốc hội khoá 13 chỉ giám sát ở các uỷ ban. Quốc hội khoá 14 thấy cổ phần hoá và quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước là vấn đề đang nổi lên, được cử tri và nhân dân rất quan tâm nên đã chọn để giám sát tối cao, ông Hiển nói.
Mục đích của giám sát, theo Phó chủ tịch là nhằm đánh giá lại quá trình vừa qua việc ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung giám sát đã phù hợp chưa, có gì tồn tại hạn chế và chỉ ra nguyên nhân. Từ đó ban hành hệ thống văn bản pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý vốn nhà nước hiệu quả hơn, tránh thua lỗ, kém hiệu quả như thời gian vừa qua. Đồng thời cũng để đảm bảo cổ phần hoá hiệu quả nhất, tránh thất thoát trong quá trình cổ phần hoá.
Thông qua giám sát cũng đánh giá những ưu điểm nổi bật để thấy rõ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, đồng thời trả lời câu hỏi khối này đã sử dụng vốn hiệu quả chưa, vừa qua xảy ra thất thoát làng phí do nguyên nhân nào và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu.
Liên quan đến nội dung giám sát, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ là hai cơ quan rất quan trọng. Ông Hiển đề nghị hai cơ quan này phản ánh thật trung thực để đoàn giám sát có cái nhìn đầy đủ về nội dung giám sát.
Theo chương trình làm việc, sau phát biểu của ông Hiển, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước trình bày báo cáo về nội dung chuyên đề giám sát. Các thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi và lãnh đạo hai cơ quan nói trên sẽ giải trình.
Nội dung hai bản báo cáo chưa phải là tài liệu được công bố rộng rãi ở thời điểm hiện tại. Song, kết quả kiểm toán về việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp hàng năm đều được gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp cuối năm 2017 của Quốc hội, liên quan đến việc định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Kiểm toán nhà nước cho biết qua kiểm toán tại 4 doanh nghiệp đã xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 491,5 tỷ đồng. Xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm 6.374,7 tỷ đồng; giá trị thực tế doanh nghiệp tăng 7.172,3 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót, trong công tác quản lý tài chính, tài sản công. Như khai thác tài nguyên, khoáng sản khi chưa được cấp giấy phép, giấy phép hết hạn hoặc khai thác vượt công suất, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lợi nhuận sau thuế vào ngân sách theo quy định.
Các doanh nghiệp lớn này cũng để phát sinh nợ phải thu khó đòi, hàng hóa tồn kho, ứ đọng, kém, mất phẩm chất với giá lớn; hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp; xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị thực tế tài sản cố định, giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế dẫn đến xác định thiếu giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, quản lý đất đai lỏng lẻo, thiếu hồ sơ pháp lý, bị lấn chiếm.
Phần lớn doanh nghiệp hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí còn sai sót, Kiểm toán nhà nước nhận định.