Tiêu thụ nông sản: Những rào cản cần tháo gỡ

Trong những bài viết trước, chúng tôi đã phân tích nhiều nguyên nhân khiến giá cả nông sản thời gian qua còn bấp bênh, dư thừa. Thực tế cho thấy nhiều thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện nay, trong đó ngoài vấn đề kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu thì còn có 3 vấn đề cần quan tâm là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; vốn, chính sách tín dụng và hình thành các hợp tác xã kiểu mới.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản rớt giá là do phần lớn sản xuất còn manh mún, thiếu thông tin định hướng thị trường, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chất lượng không đồng đều, quy trình không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và hơn hết là chưa có đầu tư khoa học công nghệ cũng như mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá nên số lượng sản phẩm ít và chưa ổn định.

TS. Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối phân tích, trong thời kỳ hội nhập, thắng thua trên thị trường phụ thuộc nhiều vào công nghệ, do đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản cần đổi mới công nghệ, tăng năng suất tăng chất lượng, giảm chi phí giá thành, khi đó mới thực sự tăng tính cạnh tranh.

Mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh của trang trại sản xuất rau rạch Cần Thơ Farm.

Mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh của trang trại sản xuất rau rạch Cần Thơ Farm.

Một điều quan trọng nữa để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, đó là cần có sự liên kết giữa người nông dân với những doanh nghiệp có đầu ra. Khi hai bên cùng hợp tác, vai trò của doanh nghiệp sẽ là đầu tàu để đưa khoa học công nghệ mới vào sản xuất, khi đó nông sản sẽ có đầu ra và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên. Vì thế, vấn đề liên kết sản xuất hiện nay là cấp bách, cần giải quyết.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, trong thời gian tới sẽ định hướng sản xuất theo vùng chuyên canh, tiếp tục tìm đầu ra đặc biệt là tìm các doanh nghiệp có mạng lưới tiêu thụ, để từ đó tổ chức tiêu thụ nông sản ổn định.

Để phát triển nông nghiệp, nông sản một cách bền vững, một yêu cầu lớn đặt ra là cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Khi đó, doanh nghiệp và người nông dân cùng tham gia vào chuỗi cung ứng để thấy rõ trách nhiệm và lợi ích của mình trong đó.

Doanh nghiệp và người dân cùng nhau đổi mới, đưa khoa học công nghệ vào hàng hóa nông sản để cạnh tranh với các nước. Muốn làm được điều này, cần phải có nguồn tín dụng và đây là một trong những mắt xích quan trọng trong phát triển nông nghiệp.

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, nhà nước đã ban hành một số nghị định, thông tư thúc đẩy cho vay phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nông thôn.

“Một số chính sách vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp của người dân, do đó, cần phải có sự điều chỉnh. Các ngân hàng cần phải thiết kế những gói sản phẩm dịch vụ phù hợp để cho doanh nghiệp và người dân vay vốn, có thể cho vay theo chuỗi cung ứng…”, ông Lực đề xuất.

Thiếu sự liên kết theo chuỗi sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp và nơi tiêu thụ cũng là rào cản khiến phần lớn các nông sản ở ĐBSCL chỉ có thể bán cho thương lái, không tìm được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại. Để giải bài toán về tiêu thụ nông sản, cần sự liên kết chặt chẽ, giữ chữ tín, tạo niềm tin và đặt lợi ích chung lên hàng đầu giữa các thành phần kinh tế.

Đây là một trong những vấn đề mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ rõ tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, hay còn gọi là Hợp tác xã kiểu mới ở ĐBSCL và miền Đông Nam bộ được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường nhưng chưa hoàn hảo và còn bất đối xứng đã ảnh hưởng và gây thua thiệt cho người nông dân. Do đó, người nông dân cần phải liên kết lại, không liên kết sẽ không có sức mạnh như một tất yếu. Hợp tác xã là một tổ chức cung ứng thị trường đầu vào và kết nối các dịch vụ đầu ra cho người nông dân.

Rõ ràng, trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, hợp tác xã kiểu mới sẽ xây dựng được quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, từ đó sản phẩm sẽ dễ tiếp cận và đứng vững trên thị trường. Quá trình liên kết sẽ hình thành được kênh tiêu thụ nông sản, tạo thế cạnh tranh cho người nông dân.

Khi đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân sẽ tìm ra những giải pháp căn cơ, phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự canh tranh gay gắt giữa các mặt hàng nông sản khi hội nhập sẽ hiệu quả hơn.

Trong tình hình hiện nay, xét về tổng thể, hợp tác xã kiểu mới chính là giải pháp hữu hiệu nhất để từng bước tháo gỡ những bất cập trong sản xuất cũng như tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Việt Nam./.

Gỡ bí đầu ra cho nông sản Việt

Bài viết mới