[Tiêu điểm tuần 21/08 – 25/08] Giới đầu tư đang chú ý tới điều gì?

Tiêu điểm thị trường tài chính Việt Nam

Bộ tài chính đề xuất bàn bạc về chính sách đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính cũng như thị trường chứng khoán để giữ vững và tiếp tục phát huy vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế nước nhà.

Trên TTCK, nhà đầu tư bắt đầu nghe ngóng các dự báo về kỳ review danh mục quý 3 của các quỹ ETF ngoại. Theo dự báo mới nhất của CTCK BSC, FTSE Vietnam ETF nhiều khả năng sẽ thêm mới cổ phiếu Petrolimex ( PLX ) vào danh mục trong đợt review này với tỷ trọng dự kiến 5,5%. Như vậy, FTSE Vietnam ETF sẽ mua vào khoảng 4,84 triệu cổ phiếu PLX.

Ngược lại, BSC dự báo FTSE Vietnam ETF có khả năng loại bỏ GTN ra khỏi danh mục trong kỳ review này bởi lý do thanh khoản chưa phù hợp.

Với V.N.M ETF, BSC đánh giá quỹ này sẽ giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam ở mức 74% như kỳ trước; bổ sung HBC và không loại ra bất kỳ cổ phiếu nào.

Tiêu điểm thị trường tài chính thế giới

Mỹ: Cuộc họp của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole

Cuộc họp hàng năm của các nhà quản lý ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế hàng đầu được tổ chức bởi Ngân hàng Dự trữ Liên bang của thành phố Kansas ở Jackson Hole, Wyoming, sẽ diễn ra từ thứ năm đến thứ bảy tuần tới đây, với những bài phát biểu quan trọng từ bà Janet Yellen – chủ tịch FED và ông Mario Draghi – chủ tịch ECB.

Các phát biểu của họ sẽ được theo dõi chặt chẽ với các tín hiệu chính sách mới từ hai ngân hàng trung ương mạnh nhất thế giới. Chủ tịch Fed Yellen sẽ nói về chủ đề ổn định tài chính vào thứ 6. Giới phân tích cho rằng với biên bản họp gần đây nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang cho thấy đang có dấu hiệu về lạm phát thấp, bà Yellen có thể sẽ không đưa ra phương hướng mới về chính sách. Lãnh đạo ECB Draghi cũng sẽ đưa ra nhận xét trong cùng ngày. ECB đang duy trì chính sách giữ cho chi phí vay ở mức thấp kỷ lục và đang kêu gọi sự kiên trì trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu đầu tháng này. Các nhà hoạch định chính sách cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận về tương lai của chương trình mua tài sản của ECB sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.

Châu Âu: Công bố báo cáo chỉ số PMI

Khu vực đồng Euro sẽ công bố dữ liệu sơ bộ về hoạt động sản xuất và dịch vụ trong tháng 8 vào thứ tư, trong bối cảnh thị trường đang kỳ vọng giảm nhẹ. Trước đó một vài giờ, Pháp và Đức sẽ công bố báo cáo PMI của riêng họ trong tuần tới .

PMI là một chỉ số cực kỳ quan trọng cho các nhà đầu tư tìm kiếm các đầu mối về tăng trưởng kinh tế. Nhiều nhà đầu tư sử dụng PMI như là một chỉ số hàng đầu để đánh giá về tăng trưởng GDP. Đối với các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu, họ thường đào sâu vào báo cáo PMI để xem các con số như tăng trưởng trong đơn hàng của nhà cung cấp hoặc giá cả phải trả, vì những con số này có thể cung cấp cái nhìn sâu hơn về tiềm năng lạm phát . Ở thị trường cổ phiếu, PMI tăng hay giảm cũng góp phần quan trọng trong việc dự báo sự mở rộng hay thu hẹp hoạt động của các ngành sản xuất để có thể đưa ra đánh giá khách quan hơn về cổ phiếu doanh nghiệp .

Nhật Bản: Công bố dữ liệu lạm phát

Cục Thống kê Nhật Bản sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 7 vào thứ bảy. Các nhà phân tích thị trường kỳ vọng con số này vẫn là con số tích cực, tăng 0,5% so với năm ngoái, đồng nghĩa với tháng thứ bảy tăng liên tiếp. Nhưng mức tăng trưởng khiêm tốn sẽ là mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và họ sẽ duy trì gói kích thích tiền tệ của mình. Trong tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã kéo dài thời gian để đạt được mục tiêu lạm phát 2%, làm tăng thêm kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ trì hoãn quá trình thắt chặt tiền tệ.

Trung Quốc: Công bố số liệu dự báo tăng trưởng

Một loạt các chỉ số dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại so với tháng trước, một dấu hiệu cảnh báo nền kinh tế đã bắt đầu suy thoái sau nửa đầu năm 2017 đáng ngạc nhiên. Cuộc họp vào giữa tuần tới sẽ đưa ra con số chính xác .

Hiện nay sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định trong tháng vừa qua tăng ít hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ giảm trong tháng 7, với sản lượng công nghiệp tăng ở mức thấp nhất trong năm tháng và tăng trưởng bán lẻ đạt mức thấp nhất kể từ tháng 10. Trong khi đó, đầu tư vào tài sản cố định – bao gồm cả chi tiêu cho đường xá, căn hộ mới và nhà máy – mặc dù vẫn mạnh, đã bắt đầu giảm nhẹ. Sự suy giảm trong đầu tư chứng khoán và cả thị trường bất động sản có nguyên nhân từ việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp trấn áp tình trạng đầu cơ trên thị trường này.

[TTCK tuần 14/08 – 20/08] Chứng khoán Việt dè dặt trong vùng trũng thông tin, TTCK thế giới tiếp tục trải qua bão táp

Bài viết mới