Tiêu điểm thị trường tài chính Việt Nam
Bộ Tài chính đề xuất giải pháp nhằm giảm tải mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp
Bộ tài chính cho rằng, các cuộc họp tới cần đưa ra nhiều đề xuất giải pháp nhằm giảm cả chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp. Động cơ cho các chương trình cắt giảm chi phí không chỉ đơn giản là việc phải “thắt lưng buộc bụng” trong thời kỳ khó khăn (khi giá cả của các nguyên liệu đâu vào hiện nay tăng cao), hay tăng lợi nhuận trong ngắn hạn, hay một phần của công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp , mà chính là xây dựng một chiến lược tổng thể cho sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh thật sự của doanh nghiệp cũng như tạo bước đệm để thị trường tài chính Việt Nam phát triển hơn nữa trong tương lai .
Trong nhóm ngắn hạn ,điển hình là các giải pháp như: giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT; giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng; giảm tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30-35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; cải cách thủ tục hành chính, giảm phí kiểm định, thẩm tra ở một số ngành nhất định .
Tiêu điểm thị trường tài chính thế giới
Mỹ: Biên bản họp chính sách của FED và doanh số bán lẻ tháng 7
Thị trường tài chính toàn cầu sẽ tập trung vào biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của FED trong tuần tới, khi các nhà đầu tư tìm kiếm thêm thông tin về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo của Hoa Kỳ và những manh mối về những kế hoạch của FED đối với bảng cân đối tài sản của mình.
FED sẽ công bố các biên bản cuộc họp chính sách mới nhất vào thứ tư. Trong cuộc họp vào ngày 26/07 vừa qua, Fed đã không thay đổi lãi suất và cho biết rằng họ dự kiến sẽ bắt đầu thu hẹp khoản nắm giữ trái phiếu “tương đối sớm”. Ngân hàng trung ương cũng ghi nhận sự yếu kém trong lạm phát Mỹ một cách rõ ràng hơn. Việc công nhận lạm phát yếu đã làm tăng thêm kỳ vọng kế hoạch tăng lãi suất của FED lần thứ ba trong năm nay có thể bị trì hoãn. Các nhà giao dịch hợp đồng kỳ hạn đang ước tính khoảng 35% khả năng tăng lãi suất sẽ rơi vào cuối năm nay.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố số liệu bán lẻ tháng 7 vào hôm thứ ba tới đây. Các chuyên gia đang dự báo doanh số bán lẻ sẽ tăng 0,4% trong tháng 7, sau khi giảm 0,2% trong tháng 6. Chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 70% tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ nên việc tăng doanh số bán lẻ sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, ngược lại nếu doanh số bán hàng yếu sẽ cho thấy nền kinh tế đang suy giảm.
Châu Âu: Các số liệu về lạm phát của Anh và tăng trưởng kinh tế của Đức
Văn phòng thống kê quốc gia của Anh sẽ công bố dữ liệu về lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 7 vào thứ ba. Các nhà phân tích kỳ vọng chỉ số CPI hàng năm tăng 2,7% so với 2,6% trong tháng trước. Bên cạnh báo cáo lạm phát, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào số liệu thất nghiệp hàng tháng và số liệu bán lẻ để đánh giá về sức mạnh của nền kinh tế Anh. Ngân hàng Trung ương Anh đã cắt giảm dự báo tăng trưởng và tiền lương hồi đầu tháng này, và cũng không vội vã tăng lãi suất, vì họ đã nhận định rằng rằng Brexit đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Đức sẽ công bố báo cáo sơ bộ về tăng trưởng kinh tế quý 2 vào thứ ba. Nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro được dự báo sẽ tăng 0,7% trong quý trước, so với mức tăng trưởng 0,6% trong quý 1.
Khu vực đồng euro sẽ công bố số liệu tăng trưởng trong quý 2 vào thứ tư. Ước tính ban đầu được công bố hồi đầu tháng cho thấy kinh tế khu vực tăng trưởng 0,6% trong quý trước, nhanh hơn mức tăng trưởng 0,5% trong quý 1.
Trung Quốc: Số liệu sản xuất công nghiệp đang được kỳ vọng tăng
Trung Quốc sẽ công bố số liệu sản xuất công nghiệp tháng 7 vào thứ hai tới đây , với kỳ vọng tăng 7,2%, so với mức tăng 7,6% trong tháng 6. Đồng thời, quốc gia châu Á sẽ công bố báo cáo về đầu tư tài sản cố định và bán lẻ trong tháng 7. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn 6,9% trong quý 2, phù hợp với tốc độ của quý I, được hỗ trợ bởi xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng.