Tiếng xấu của người Việt ở nước ngoài, đâu là gốc rễ?

Câu chuyện và hình ảnh hai nam thanh niên người Việt Nam nhường chỗ trên tàu cho hai em bé người Đài Loan đã thực sự chiếm được cảm tình của cộng đồng mạng. Hành động rất đỗi giản dị, đời thường này khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng.

Thế nhưng, trước đó không lâu, một thông tin khiến chúng ta phải suy ngẫm và xấu hổ, báo Japan Times ngày 17/2 dẫn một thống kê gần đây cho thấy, người Việt sắp đứng thứ 3 về số lượng người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, học tập tại Nhật Bản nhưng đứng đầu về tỉ lệ phạm tội, trên cả Trung Quốc.

Tiếng xấu của người Việt ở nước ngoài, đâu là gốc rễ? - Ảnh 1.

Nhiều người có hành động ăn cắp vặt và bị xử lý nhưng cũng chưa đủ sức răn đe (ảnh minh hoạ)

Không chỉ ở Nhật Bản mà ở nhiều quốc gia khác, tỷ lệ người Việt phạm tội trộm cắp, “trồng cỏ” hay làm ăn phi pháp… đã không phải là chuyện hiếm. Những hành động, việc làm này đã làm xấu đi hình ảnh người Việt, đặc biệt phổ biến là tình trạng ăn cắp vặt, không tuân thủ luật pháp, chen lấn, khôn lỏi… Bạn bè quốc tế, nhất là người dân sở tại mất đi thiện cảm với người Việt.

Người Việt đi ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau như du học, xuất khẩu lao động, du lịch hoặc lao động “chui”. Trong số này, không ít người không thể tìm kiếm việc làm kiếm tiền nuôi thân ở trong nước, không có tay nghề hay chuyên môn nghiệp vụ gì. Bản thân lại cũng không yêu lao động nên khi sang một đất nước mới, họ cũng không thể xoay sở, làm việc một cách chân chính mà chỉ nghĩ làm sao có được tiền nên con đường dẫn tới phạm tội, làm việc sai trái rất gần.

Còn những người sang nước ngoài để tìm kiến thức thực sự, để tu nghiệp, hoặc để lao động, kiếm sống bằng chính công sức, trình độ của mình thì không bao giờ họ tìm cách làm những điều tắt mắt, vi phạm luật pháp nước sở tại. Họ nhiều khi là những đại sứ văn hoá, nhân rộng thiện cảm của bạn bè quốc tế với đất nước Việt Nam nhờ vào cách hành xử văn hoá, trí tuệ… Cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài (kiều bào) được đánh giá là chấp hành tốt các qui định luật pháp của nước sở tại, có nhiều đóng góp cho các thành tựu thương mại, kinh tế, giáo dục cho đất nước mà họ sinh sống.

Vậy vì sao có những người Việt xấu xí ở nước ngoài? Có một thực tế, không ít người núp dưới bóng ra nước ngoài học tập, lao động nhưng khi sang đó lại đi làm việc khác, lao động chui, trốn chui trốn lủi, thậm chí hành nghề trộm cắp. Còn những tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức cho họ đi lại chỉ quan tâm đến việc thu được thật nhiều tiền chứ không cần quan tâm sau khi xuất cảnh họ làm gì. Dòng người xuất cảnh tạp nham, không tuyển chọn nên việc nhiều người trong số họ có những hành động xấu xí, mang tiếng xấu cho người Việt là điều dễ hiểu.

Thực trạng này do đâu? Bất kỳ ai, khi vi phạm hoặc làm điều gì sai trái, điều mọi người nhắc đến đầu tiên là cách giáo dục. Nhiều người đổ lỗi cho hệ thống giáo dục của ta chưa toàn diện, khập khiễng, thậm chí còn làm thui chột những đức tính tốt của học sinh… Nhưng điều đó chưa đủ. Bởi lâu nay, giáo dục văn hóa ở nhiều gia đình đã bị bỏ ngỏ. Nhiều gia đình phó mặc chuyện dạy con cái cho nhà trường hoặc thuê người dạy để lao vào kiếm tiền, chạy theo những vui thú của riêng mình, chiều chuộng tất cả những đòi hỏi của con cái để chúng không làm phiền ta nữa. Chính vì thế, nhiều đứa trẻ lớn lên chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ mà không biết đến phần trách nhiệm của mình. Thêm vào đó, luật pháp còn chưa nghiêm. Nhiều thanh niên hư hỏng, lẽ ra phải để pháp luật giáo dục, trừng trị, nhưng gia đình lại sợ mang tiếng xấu với làng xóm nên tìm cách chạy vạy, lấp liếm… Cách hành xử của những người đi trước đã dung dưỡng cho nhiều người trẻ thói sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ, làm theo ý thích cá nhân mà bất cần quan tâm đến luật pháp.

Những “con sâu” chỉ là số ít nhưng sự gia tăng, phát triển của nó lại vô cùng nhanh nếu các nhà quản lý, mỗi gia đình không có cái nhìn đúng đắn, nghiêm túc. Đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc để “xốc” lại tình hình, lấy lại hình ảnh đẹp của người Việt khi đi ra nước ngoài và vì giá trị của tấm hộ chiếu Việt Nam. Cần xem xét kỹ, nghiêm túc việc cho các cá nhân xuất – nhập cảnh. Nên xem xét hình thức cấm xuất cảnh vĩnh viễn với những công dân ra nước ngoài mà có những vi phạm pháp luật.

“Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu cũng đồn xa”, chỉ khi mỗi cá nhân có ý thức pháp luật, có trách nhiệm, giữ gìn hình ảnh của chính mình thì mới mong bạn bè quốc tế có cái nhìn tốt, thiện cảm với người Việt Nam./.

Hàng Việt nỗ lực lấy lòng người Việt

Bài viết mới