Có nhiều cách để chính phủ một nước có thể tạo ra ảnh hưởng lên các nước khác. Có chính phủ sử dụng sức mạnh quân sự, có chính phủ tìm đến các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Tại châu Á, châu Phi, Mỹ La Tinh và cả châu Âu, người Trung Quốc đang sử dụng tiền đầu tư để có thể làm được những điều họ muốn, và trong nhiều trường hợp, người Trung Quốc đang chiến thắng người Mỹ, theo tờ Nikkei trong bài báo mới được đăng tải.
Trước tiên, hãy nhìn vào châu Á. Vì nhiều lý do, quan hệ của Pakistan với Mỹ đã xấu đi trong những năm gần đây. Từ khi lên nắm quyền, chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều nỗ lực củng cố quan hệ với chính phủ Ấn Độ, vì vậy chính phủ Pakistan càng có thêm lý do để củng cố thêm quan hệ với Trung Quốc.
Đổi lại, đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan đang ngày một tăng dần. Dự án hạ tầng mang tên Vành đai kinh tế Trung Quốc – Pakistan, một phần trong đại kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của chính phủ Trung Quốc đang được triển khai và tạo ra khá nhiều việc làm tại Pakistan.
Cùng lúc đó, chính phủ Trung Quốc cũng đang xây dựng cảng Gwadar, cảng sẽ giúp Trung Quốc có sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương.
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, không thích những chỉ trích từ phía chính phủ Mỹ và châu Âu; trong khi đó người Trung Quốc cam kết giúp ông cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đang trong tình trạng tồi tệ.
Cho đến nay, bởi nhiều nguyên nhân, người Trung Quốc chưa thực hiện nhiều những lời hứa của mình với ông Duterte thế nhưng chỉ riêng lời hứa này của Trung Quốc đã khiến chính phủ Philippines nhượng bộ khá nhiều trong các vấn đề quốc tế.
Malaysia cũng tương tự, chính phủ Trung Quốc cũng đã hứa giúp Malaysia phát hiện hạ tầng, vì vậy chính phủ Malaysia cũng có quan điểm mềm mỏng hơn nhiều so với Trung Quốc.
Đã nhiều năm nay, tiền của người Trung Quốc đã giúp mang lại cho họ tầm ảnh hưởng lớn ở châu Phi. Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã cam kết dành hàng tỷ USD phát triển hạ tầng tại châu Phi trong những năm tới.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường sức ảnh hưởng của mình thông qua cơ quan truyền thông StarTimes. Cơ quan này đang truyền tải thông điệp của người Trung Quốc đến hơn 30 quốc gia châu Phi, thông tin của người Trung Quốc được đưa đến hàng chục triệu hộ gia đình ở châu lục này.
Từ năm 2010 khi Nam Phi trở thành thành viên của nhóm BRICS, Nam Phi đã mang đến cho Trung Quốc cơ hội vàng để tham gia phát triển Nam Phi, nhờ đó, Trung Quốc có điều kiện tiếp cận được với nhiều tài nguyên thiên nhiên vô cùng có ích cho sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc cũng như giúp Trung Quốc củng cố được ảnh hưởng chính trị lên khu vực châu Phi.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi. Chính phủ hai nước đã ký các hợp đồng kinh tế trị giá đến 6,5 tỷ USD trong năm 2015. Đổi lại, chính phủ Nam Phi cũng đã chia sẻ lập trường của Trung Quốc trong không ít các vấn đề quốc tế.
Trong diễn dàn bàn về dự án “Một vành đai, một con đường” vào đầu năm nay, Tổng thống Kenya, ông Uhuru Kenyatta là một trong hai nhà lãnh đạo Nam Phi được mời. Trong dự án đó, Kenya sẽ nhận được tiền đầu tư của Trung Quốc cho dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc nối giữa thành phố Nairobi và Mombasa của Kenya.
Đáp lại thịnh tình từ phía Trung Quốc, chính phủ Kenya đã cùng với Trung Quốc thuyết phục Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ đồng tiền trong Quyền rút tiền đặc biệt (SDR).
Chính phủ Trung Quốc đã dành khá nhiều thời gian và tiền bạc để củng cố cho ảnh hưởng của mình tại khu vực Mỹ Latinh. Trung Quốc hiện đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất cho hàng xuất khẩu từ Brazil, Chile, Cuba, Peru và Uruguay. Thế nhưng Trung Quốc không chỉ đơn giản nhập hàng từ nước khác.
Nhiều nước như Bolivia hiện cũng đang nhập mạnh hàng Trung Quốc. Panama cũng có nhiều sự ủng hộ với Trung Quốc sau khi Trung Quốc đầu tư mạnh vào kênh đào Panama. Đáp lại thịnh tình, vào đầu năm nay, Panama cũng thông báo sẽ không còn tiếp tục thừa nhận Đài Loan độc lập, như vậy người Trung Quốc có thêm một thắng lợi chính trị.
Người Trung Quốc cũng đang vươn tầm ảnh hưởng sang châu Âu, nơi mà lãnh đạo của nhiều nước vẫn đang tin rằng họ đang dẫn dắt thế giới. Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc đầu tư vào Hy Lạp, đất nước chìm trong khủng hoảng nợ, chịu quá nhiều các biện pháp trừng phạt cứng rắn và hà khắc từ chính phủ các nước châu Âu. Hy Lạp sẽ nhận được đầu tư của Trung Quốc trong dự án “Một vành đai, một con đường”.
Hiện tại, người Trung Quốc đang vận hành cảng Piraeus của Hy Lạp, cảng đông đúc nhất khu vực Địa Trung Hải. Và đáp lại thịnh tình từ phía Trung Quốc, Hy Lạp đã cùng sát cánh với Trung Quốc trong không ít các tranh cãi quốc tế.
Rõ ràng, nhìn từ cách hành xử của người Trung Quốc, người Mỹ và châu Âu cần phải nghiêm túc suy nghĩ. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đến việc tăng sức mạnh Mỹ, nhưng cùng lúc đó ông cũng luôn khẳng định lập trường cứng rắn trong việc đầu tư, khó mà thuyết phục được ông chi tiền cho những khoản đầu tư lớn.
Chính phủ Trung Quốc trong khi đó mang đến những khoản đầu tư hậu hĩnh và không đặt ra nhiều điều kiện hà khắc, vậy không khó hiểu tại sao ngày một nhiều nước đang ủng hộ Trung Quốc.